In bài viết

Tận thu hay... tận diệt?

Đằng sau hoạt động khai thác khoáng sản là hiện tượng núi lở, sông suối ô nhiễm, rừng đầu nguồn “chảy máu”. Tình trạng bất chấp quy định bảo vệ môi trường và việc khai thác gỗ tận thu của các doanh nghiệp (DN) hoạt động khoáng sản khiến cho nguồn tài nguyên đứng bên bờ… tận diệt.

07/07/2011 11:15
“Phi tang” chất thải
Khai thác khoáng sản là hoạt động kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi các đơn vị thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định bảo vệ môi trường. Thế nhưng, khi kiểm tra tình hình khai thác vàng trên địa bàn các huyện Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My (Quảng Nam) hầu hết các đơn vị không có hệ thống bể chống thấm, hồ lắng đạt quy chuẩn, xả nước thải, chất thải trực tiếp hoặc gián tiếp ra sông, suối. Vị trí khai thác vàng, hồ xử lý chất thải, nước thải tại khe Ông Đức (xã Hiệp Thuận, Hiệp Đức) của Công ty cổ phần miền Trung luôn trong tình trạng rò rỉ. Bờ đập xây tạm bợ, chỉ cần xảy ra một cơn mưa to là có thể gây ra hiện tượng sạt lở bờ, chất thải tuồn ra suối, chảy về các sông. Chưa kể các hồ lắng nước thải tuyển rửa luôn bị thấm, chất thải nguy hại tập kết tràn lan. Dù đã hoạt động nhiều năm nhưng đơn vị này vẫn chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định pháp luật.
Đâu riêng gì công ty này, các đơn vị khác như Công ty TNHH Phước Minh, Nghĩa Chánh, Nam Mai, Nghĩa Sơn, Ngọc Lĩnh, Hà Thắng (Phước Sơn), Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Hội Phố (Hiệp Đức)… cũng chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước, chưa triển khai giám sát môi trường định kỳ. Tuy nhiên, việc xử phạt các đơn vị vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để. Theo quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, DN khi triển khai xây dựng hệ thống xả thải bắt buộc xây dựng 3 bể lắng, 4 bờ đập và đặt ở vị trí phù hợp dưới sự giám sát của cơ quan chủ quản. Thế nhưng, hầu như việc xác định vị trí xây dựng hệ thống xả thải phó mặc cho DN nên họ chọn xây dựng hệ thống này ở gần khe, suối là dễ hiểu. Thượng tá Nguyễn Đình Hùng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) cho biết: “Do hầu hết DN đều không có cán bộ phụ trách môi trường, cơ quan chủ quản lại thiếu hướng dẫn, kiểm tra môi trường thường xuyên nên chủ yếu để cho DN tự làm. Vì vậy, các đơn vị không lý do gì mà không xây dựng hệ thống xả thải kề cạnh con suối để thuận lợi trong khâu xử lý nguồn nước thải”. Tại khu vực chế biến quặng của Công ty TNHH Nam Mai và Hà Thắng trong thời gian vừa qua cho thấy, cả 6 mẫu nước thải được kiểm tra đều có hàm lượng hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
Phá sơn lâm
Từ trung tâm xã Phước Thành (Phước Sơn), sau khi ngồi trên xe Minks hơn 20km, chúng tôi băng rừng, vượt suối hai giờ đồng hồ mới đến được bãi vàng của Công ty TNHH Nghĩa Chánh (xã Phước Lộc, Phước Sơn). Trên suốt chặng đường, trước mắt chúng tôi là cánh rừng nguyên sinh điệp trùng cây cổ thụ, nhưng khi gần đến khu vực khai thác mỏ thì khung cảnh ngược lại. Nhiều cây gỗ đổ ngổn ngang nơi bìa rừng, một số khác nằm vắt qua suối. Gỗ được xẻ ra làm nhà ở cho công nhân, gỗ chằng chống hầm lò… Ở xã Phước Thành, Công ty TNHH Phước Minh còn tự tiện mở gần 2km đường vào bãi vàng Khe Tăng. Dọc hai bên đường là hàng trăm cây cổ thụ bị trốc gốc ngả nghiêng. Tuy nhiên, việc mở đường trái phép của công ty chỉ bị xử phạt hành chính hồi năm 2010 với mức phạt 35 triệu đồng theo quyết định của UBND huyện Phước Sơn.
Tương tự, trong khi chưa có sự cho phép của cấp thẩm quyền thì Công ty cổ phần SSG “đi trước một bước” mở đường vào khu vực hầm chính. Hậu quả là hơn 6m3 gỗ chò, gỗ tạp được đưa vào các lán trại công nhân và xây dựng hạ tầng. Có công ty còn khai mua lại gỗ trái phép của người dân đã hạ đốn để sử dụng chống hầm lò, xây lán trại. Điển hình, năm 2010, Công ty TNHH Đức Lộc bị phạt hơn 80 triệu đồng vì hành vi tiêu thụ gỗ trái phép. Còn UBND huyện Phước Sơn phạt Công ty TNHH Hữu Minh do khai thác gỗ trái phép.
Trên đỉnh núi Ngọc Kinh (huyện Đại Lộc), các cánh rừng cũng bị tận thu một cách triệt để nhằm phục vụ cho việc lấy gỗ chèn chống hầm lò khai thác khoáng sản. Khi tiến hành kiểm tra 2 DN đang khai thác than ở đây (Công ty TNHH Hạnh Ngọt và Công ty TNHH Hoàng Phúc), Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh xác định những DN này đều vi phạm nghiêm trọng về những vấn đề môi trường. Chất thải từ việc khai thác than đều thải trực tiếp ra những con suối gần kề. Bên cạnh các hầm lò có những đống gỗ, khi lực lượng chức năng hỏi đến thì DN không trưng dẫn được xuất xứ. Chỉ tính riêng số lượng gỗ không rõ nguồn gốc mà đoàn kiểm tra phát hiện tại Công ty TNHH Hạnh Ngọt đã lên tới gần 5m3. Nghịch lý là gỗ thì nhiều nhưng hầu hết các hầm lò lại được chằng chống rất sơ sài, các cây gỗ đã mục nát, không đảm bảo an toàn lao động. Vậy số lượng gỗ lớn như vậy được sử dụng vào mục đích gì? Theo ông Diệp Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, vấn đề phá rừng làm cột chằng chống của các DN khai thác khoáng sản đang là một vấn đề cần phải quan tâm và giải quyết triệt để. Hiện nay có những DN đang lợi dụng việc khai thác khoáng sản để tận thu những cánh rừng bên cạnh, không thuộc quyền sử dụng. Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến tại các điểm khai thác vàng của huyện Tây Giang. Hơn một tiếng đồng hồ lội suối băng rừng, chúng tôi mới đến được mỏ vàng của Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ và thương mại Hữu Sơn (thôn Ará, xã Lăng). Mặc dù công ty đã dừng khai thác nhưng hậu quả để lại thì vẫn còn đó. Lượng gỗ bị tận thu để làm lán trại cho công nhân ước tính hơn 5m 3 .
Bên cạnh phá rừng, việc các DN tiến hành tăm vàng, khai thác một cách tràn lan đã làm cho tình trạng sạt lở xung quanh khu vực khai thác ngày một nặng nề và đáng báo động. Tại hiện trường khai thác vàng gốc của Công ty TNHH Đại Phát (thôn Nal, xã Lăng), những gốc cây cổ thụ rừng nguyên sinh đã bị đốn hạ không thương tiếc. Việc tìm kiếm vàng lộ thiên đã làm cho ngọn núi trở nên nham nhở, ẩn chứa nguy cơ sạt lở. Ngay tại công ty này, hai con suối đã bị vùi lấp, chỉ còn lại một dòng chảy nhỏ, màu nước đã đổi màu đục ngầu. Giải thích về điều này, ông Võ Hữu Hiền - Phó Giám đốc công ty cho biết: “Tình trạng sạt lở này vốn là do tự nhiên chứ không phải do công ty chúng tôi gây ra. Do địa hình ở đây dốc, núi hiểm trở nên chỉ cần một trận mưa là có thể làm sạt lở trên diện rộng. Còn những gốc cây cổ thụ chúng tôi chỉ tận thu mà thôi. Do tình trạng sạt lở xảy ra, những gốc cây này tự ngã đổ, chúng tôi chỉ khai thác lại chứ không tự ý đốn” (!).
Nhìn ngọn núi nham nhở với những vệt múc của máy móc còn đang mới, thật khó tin rằng sạt lở là do tự nhiên. Cùng với những hậu quả khác về môi trường, về nguồn thu từ khoáng sản khá thấp nếu so sánh với những thiệt hại…, đã khiến những ai quan tâm không khỏi băn khoăn.
Hữu Phúc - Nguyễn Dương