Cử tri các địa phương cho rằng, hiện lộ trình tăng lương chưa hợp lý, rất nhiều đối tượng như người tham gia quân đội, lực lượng thanh niên xung phong, cán bộ xã tham gia phục vụ kháng chiến, những người về hưu trước năm 1993… có mức lương quá thấp, không đủ bảo đảm cuộc sống. Cử tri đề nghị xem xét tăng lương cho các đối tượng này với tỷ lệ cao hơn.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trả lời vấn đề cử tri các tỉnh kiến nghị như sau:
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới đời sống của những người nghỉ hưu, trong đó có người nghỉ hưu trước tháng 4/1993. Trong giai đoạn 2003- 2007, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 164,8% đến 228,8% (tuỳ thuộc vào mức lương khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu) so với mức lương hưu của tháng 12/2002, trong đó người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và trước tháng 4/1993 được điều chỉnh với tỷ lệ cao hơn những người nghỉ hưu ở giai đoạn từ tháng 4/1993 trở về sau.
Trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Chính phủ cũng đã 8 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với mức tăng thêm 168,5% so với cuối năm 2007.
Thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu qua các thời kỳ nêu trên, đời sống của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện, tuy nhiên cũng vẫn còn một bộ phận người nghỉ hưu hiện có mức lương hưu thấp.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và kiến nghị phương án xử lý đối với mức lương hưu của người có mức lương hưu thấp, trình Chính phủ trong Quý IV/2015. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, ngày 11/11/2015 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, theo đó: (i) Từ ngày 01/01/2016, thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2.000.000 đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở; (ii) Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/4/2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng được quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội; (iii) Từ ngày 1/5/2016, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Theo quy định tại Nghị định số 55/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì đối với người hưởng lương hưu mức tăng là 250.000 đồng/người/tháng đối với người có mức lương hưu từ 1.750.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu từ trên 1.750.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.000.000 đồng/người/tháng.
Đối với người hưởng trợ cấp hằng tháng, mức tăng thêm là 150.000 đồng/người/tháng đối với người có mức hưởng từ 1.850.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.000.000 đồng/người/tháng đối với người có mức hưởng từ trên 1.850.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.000.000 đồng/người/tháng.
Như vậy, ở lần điều chỉnh lần này sẽ hướng đến đối tượng có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng thấp, mức điều chỉnh tăng thêm cũng sẽ thực hiện theo số tiền tuyệt đối thay cho tỷ lệ như những lần điều chỉnh trước đây.
Sau khi thực hiện việc điều chỉnh nêu trên, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện chính sách lương hưu trong thời gian tới.
Riêng về chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.