Ngay trong tháng 5/2024, pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam đã bị Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp; tiếp đó, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (Cơ quan điều tra Hàn Quốc) cũng đã đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam...
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, với chính sách chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đến nay, Việt Nam đã tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa. Việc hàng hoá xuất khẩu bị các thị trường tiến hành điều tra phòng vệ thương mại là do gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.
Ngoài ra, việc tham gia các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với một số nước khác thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương đối với các nước này.
Cùng với đó, một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết, thậm chí sử dụng nhiều biện pháp, kỹ thuật điều tra chưa phù hợp với WTO và thông lệ quốc tế.
Nhằm ứng phó với các vụ việc, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài thông qua các hoạt động đa dạng.
Riêng trong năm 2023, Cục Phòng vệ thương mại đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành liên quan triển khai có hệ thống hàng loạt các hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xử lý ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, công tác cảnh báo sớm được triển khai từ năm 2019, đến nay đã có 37 mặt hàng năm trong danh sách cảnh báo, và đã có 8 sản phẩm nằm trong danh sách bị điều tra phòng vệ thương mại như: sản phẩm gỗ dán cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, ghế bọc đệm, gạch men, tủ gỗ.
Bên cạnh đó, Cục Phòng vệ thương mại tham gia cung cấp thông tin, giải trình các chính sách của Chính phủ Việt Nam bị cáo buộc trợ cấp; tham gia phản biện pháp lý đối với các vi phạm, khả năng vi phạm cam kết quốc tế của cơ quan điều tra nước ngoài; tiến hành các hoạt động hỗ trợ liên quan đến giải quyết tranh chấp tại WTO; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần nâng cao năng lực kháng kiện phòng.
Kết quả trong rất nhiều vụ việc, Việt Nam đã thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu qua đó, bảo vệ và giữ vững được thị trường và kim ngạch xuất khẩu.
Khi các hiệp định thương mại đi vào giai đoạn thực thi mới, xuất khẩu sẽ có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng. Nhưng kèm theo đó, các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Tính chất các vụ việc cũng sẽ ngày càng phức tạp và khó khăn hơn trong việc ứng phó, xử lý.
Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại, ông Trịnh Anh Tuấn cũng cho biết, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Trong công tác này, hai nhiệm vụ quan trọng là xử lý vụ việc Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và vận hành hệ thống cảnh báo sớm để cung cấp các thông tin cảnh báo từ sớm, từ xa các mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại.
Cục sẽ tăng cường thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp ở các ngành hàng cụ thể và tại các địa phương cụ thể nhằm tăng cường sự hiểu biết của các doanh nghiệp đối với công tác phòng vệ thương mại.
Trong các vụ việc phòng vệ thương mại, doanh nghiệp có một vai trò hết sức quan trọng vì đây là đối tượng của các cuộc điều tra. Vì vậy, để xử lý hiệu quả các hoạt động điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu đòi hỏi sự tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các Hiệp hội và doanh nghiệp, cần theo dõi thông tin cảnh báo sớm của Bộ Công Thương, thông tin cho các doanh nghiệp thành viên; định hướng chiến lược chung và khuyến khích các doanh nghiệp thành viên tham gia khi bị điều tra để đảm bảo lợi ích chung cả ngành; tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường xuất khẩu mục tiêu; tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế cạnh tranh bằng giá; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương được khuyến nghị, cần tiếp tục phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài; cân nhắc khi ban hành các chính sách có thể bị cáo buộc là trợ cấp; cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương đúng thời hạn trong trường hợp xử lý vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài; quản lý và giám sát hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lẩn tránh.
Phan Trang