In bài viết

Tăng cường chất lượng xây dựng các nghị quyết kinh tế-xã hội của Đảng

(Chinhphu.vn) - Ngày 20/7, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị.

20/07/2022 18:38
Tăng cường chất lượng xây dựng các nghị quyết kinh tế-xã hội của Đảng - Ảnh 1.

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Kinh tế Trung ương - Ảnh: VGP/HT

Nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc lớn

Năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng nhiều Đề án quan trọng, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thông qua nhiều chủ trương, định hướng quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cơ quan này đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị ban hành 1 nghị quyết về phát triển đô thị, 2 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội vùng, 1 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội địa phương, cụ thể: Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Ban Kinh tế Trung ương cũng tổ chức xây dựng, hoàn thành có chất lượng 2 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành 2 nghị quyết: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Tăng cường chất lượng xây dựng các nghị quyết kinh tế-xã hội của Đảng - Ảnh 2.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Các nghị quyết, đề án của Đảng có ý nghĩa quan trọng, có tính dài hạn, chiến lược, bảo đảm có cơ sở chính trị, trên cơ sở đó, các cơ quan khác thực hiện thể chế hóa các nghị quyết, xây dựng cơ chế chính sách thực hiện mục tiêu đã đề ra - Ảnh: VGP/HT

Nâng  cao chất  lượng xây dựng các nghị  quyết, đề  án

Song song với việc hoàn thiện các nghị quyết và các đề án nêu trên, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục tổ chức triển khai xây dựng các đề án để từ nay tới cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ hoàn thiện 1 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa - hiện đại hóa, 4 đề án trình Bộ Chính trị và 1 đề án trình Ban Bí thư trong 6 tháng cuối năm 2022; chủ động nghiên cứu xây dựng 1 đề án trình Bộ Chính trị vào quý I/2023…

Bên cạnh công tác nghiên cứu, tham mưu đề xuất, công tác theo dõi, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các chủ trương của Đảng về kinh tế tiếp tục được Ban quan tâm tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Thông qua theo dõi, giám sát, Ban Kinh tế Trung ương đã phát hiện những vấn đề phát sinh, vướng mắc từ đó có nhiều kiến nghị, đề xuất…

Tại Hội nghị, các ý kiến của đại biểu tham dự, đại diện lãnh đạo của các vụ, đơn vị đều nhất trí cao về Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để góp phần triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022.

Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao các kết quả đạt được với khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện và hoàn thành có chất lượng các đề án, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế cũng như thách thức cần được nhìn nhận để khắc phục, đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng triển khai công việc của Ban trong thời gian tới.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu tập thể Lãnh đạo Ban và người đứng đầu các đơn vị nâng cao quyết tâm chính trị và trách nhiệm nêu gương; các cấp ủy Đảng cần vào cuộc cùng với chính quyền bảo đảm điều kiện công tác, môi trường làm việc tại cơ quan, đơn vị; phát huy tốt hơn nữa truyền thống và các bài học kinh nghiệm để triển khai công tác trong thời gian tới; xây dựng các chương trình làm việc, kế hoạch cho từng đề án một cách khoa học, bám sát thực tiễn. 

Cần phân định rõ trách nhiệm của từng người, từng khâu trong hệ thống, đặc biệt trong đề án, người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Ban về công việc của đơn vị mình.

Trong bối cảnh nguồn nhân lực, vật lực có hạn, cần tăng cường hợp tác với các chuyên gia hàng đầu, mở rộng công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ góp phần xây dựng các các sản phẩm chuyên sâu, có chất lượng ngày càng cao.

"Với sự quyết tâm, thống nhất của tập thể Lãnh đạo Ban, sự đồng lòng, nhất trí, đoàn kết của tập thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong Ban, Ban Kinh tế Trung ương sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao", đồng chí  Trần Tuấn Anh khẳng định.

Huy Thắng