Việc thực hiện các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm (QPPL) trong thời gian qua đã đạt được những kết quả chủ yếu gì, thưa ông?
TS. Hồ Quang Huy: Quán triệt định hướng, yêu cầu của Đảng, Nhà nước, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của Bộ Tư pháp, thời gian qua, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của cả nước được tăng cường thực hiện để đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi hiệu lực, hiệu quả pháp luật, phục vụ sự phát triển của đất nước. Có thể khái quát các kết quả chủ yếu đã đạt được như sau:
Một là, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản theo quy định; chú trọng công tác kiểm tra, rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn để kịp thời phát hiện, tự xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp.
Trong năm 2022, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 12.764 văn bản QPPL; tỉ lệ xử lý văn bản tăng 10,91% so với năm 2021. Rà soát thường xuyên, công bố văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực hàng năm và hệ thống hóa văn bản QPPL theo định kỳ nhằm kiểm soát các văn bản đã được ban hành, tăng cường tính công khai, minh bạch của pháp luật, hoạt động rà soát để phát hiện vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và xử lý kết quả rà soát văn bản QPPL theo yêu cầu, chỉ đạo.
Qua đó đã kịp thời phát hiện, nghiên cứu xử lý, sửa đổi, hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp và đời sống nhân dân; đồng thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật để phục vụ hiệu quả sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp về công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL và kiểm tra văn bản QPPL do các cơ quan cấp bộ, địa phương cấp tỉnh ban hành luôn được tăng cường thực hiện có hiệu quả (thông qua việc ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức các đoàn kiểm tra, các hội nghị, hội thảo về chuyên môn). Qua đó đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực, nhận thức, ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan cấp bộ, chính quyền địa phương trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật để đảm bảo chất lượng văn bản QPPL; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện tốt công tác hệ thống hoá văn bản QPPL kỳ 2019-2023 theo đúng quy định.
Việc phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý văn bản có quy định chưa phù hợp pháp luật luôn được Cục Kiểm tra văn bản QPPL tiến hành cẩn trọng, đảm bảo tính chính xác trong phát hiện và sâu sát, hiệu quả trong xử lý, giúp cơ quan ban hành văn bản nhận thức rõ vấn đề để xử lý kịp thời vì lợi ích chung của xã hội, mặt khác giúp người dân và dư luận xã hội hiểu đúng, đầy đủ quy định của pháp luật.
Có thể khẳng định rằng, kết quả công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL đã và đang góp phần tích cực nâng cao chất lượng, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thi hành pháp luật, hạn chế các yếu tố tác động tiêu cực, tạo môi trường pháp lý thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ "liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động vì người dân, doanh nghiệp" theo tinh thần, chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thông qua việc tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về các công tác nêu trên, theo ông có những vấn đề gì cần phải lưu tâm khắc phục ?
TS. Hồ Quang Huy: Năng lực, trình độ và số lượng công chức làm công tác xây dựng văn bản QPPL nói chung, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL nói riêng tại các cơ quan cấp bộ và địa phương chưa đồng đều, chưa tương xứng so với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ, khối lượng công việc của các công tác này, do đó chất lượng, hiệu quả công tác ở một số cơ quan, địa bàn, ngành, lĩnh vực và một số trường hợp còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Vẫn còn các trường hợp, cơ quan quản lý vì các vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà xác định biện pháp quản lý nhà nước không phù hợp với quy định của pháp luật về nội dung và thẩm quyền, hoặc đặt ra quy định không có cơ sở pháp lý; ban hành văn bản hành chính nhưng có chứa QPPL gây ra khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh các yếu tố chủ quan, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ban hành văn bản QPPL không đảm bảo tính pháp lý, tính phù hợp, khả thi trong thời gian qua là trong thực tế, có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh từ thực tiễn quản lý, diễn biến nhanh chóng, có tính đặc thù về ngành, lĩnh vực, địa phương (ví dụ như sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; dịch bệnh COVID-19…), trong khi số lượng công việc cần xử lý lớn, thời gian ngắn, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa thực sự chủ động, tích cực; quá trình tham mưu, nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản chưa thể tính toán thấu đáo, dự liệu toàn diện và chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn…
Trường hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương phát hiện văn bản do mình ban hành chưa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp hay chưa đáp ứng tính khả thi, yêu cầu thực tiễn thì cần phải chủ động căn cứ vào các quy định về nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước trong các luật và nghị định để tiến hành thu hồi hoặc xử lý sớm nhất, nhanh nhất nội dung chưa phù hợp trong văn bản nhằm ngăn ngừa, hạn chế hậu quả tiêu cực có thể phát sinh đối với xã hội của bản đó. Đây là việc làm cần thiết, động thái tích cực, cầu thị, vì lợi ích chung của xã hội của cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện văn bản của mình có vấn đề không ổn, không phải phụ thuộc vào việc kiểm tra, kết luận, kiến nghị xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang thể hiện tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phục vụ cho đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Theo ông, cần tập trung thực hiện các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL như thế nào trong thời gian tới?
TS. Hồ Quang Huy: Theo tôi, để đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế, các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trong gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL; quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế gắn với yêu cầu, giải pháp của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản QPPL theo quy định để đảm bảo tính pháp lý, thống nhất, đồng bộ, phù hợp, khả thi, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong văn bản. Tiếp tục quan tâm kiện toàn, đầu tư, bố trí nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các điều kiện đảm bảo khác tương xứng với tầm quan trọng của các công tác nêu trên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm đã được quy định để đảm bảo việc xây dựng, ban hành văn bản phải có cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền, nội dung; kịp thời phát hiện, tự xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn. Tăng cường công tác rà soát thường xuyên theo quy định; tập trung rà soát và xử lý, tham mưu xử lý kết quả rà soát để thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ hệ thống văn bản kỳ 2019-2023.
Thứ hai, thực hiện tốt vai trò đầu mối, tham mưu của Cục Kiểm tra văn bản QPPL trong việc tổ chức thực hiện các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; sâu sát, hiệu quả trong việc theo dõi, nắm bắt thông tin, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc để thúc đẩy năng lực hệ thống, giúp các bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức về nội dung, yêu cầu của các công tác hậu kiểm văn bản QPPL và quy trình tổ chức; kịp thời nhận diện, chấn chỉnh, khắc phục các khó khăn, hạn chế trong tổ chức thực hiện.
Trong năm 2022, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã kiểm tra đối với 5.368 văn bản (gồm 614 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 4.754 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh), tăng 1.149 văn bản so với năm 2021.
Các phản ánh, kiến nghị của dư luận, báo chí, các tổ chức, cá nhân về tính hợp pháp, khả thi, phù hợp với thực tiễn của văn bản QPPL đều được Bộ Tư pháp tiếp nhận, theo dõi, nghiên cứu xử lý kịp thời theo thẩm quyền.
Nghiên cứu lựa chọn chuyên đề kiểm tra văn bản QPPL hàng năm gắn với lĩnh vực/vấn đề được Quốc hội lựa chọn để giám sát tối cao, qua đó gắn kết công tác kiểm tra văn bản của Chính phủ với công tác giám sát của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật. Qua công tác kiểm tra, chú trọng việc giúp các bộ, ngành, địa phương nhận thức rõ sai sót để tự xử lý, những vi phạm thường gặp, chỉ rõ nguyên nhân để tránh việc ban hành quy định sai phạm; bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu quản lý, thực tiễn và quyền, lợi ích của người dân, tổ chức trong công tác xây dựng, ban hành, văn bản QPPL.
Tăng cường cơ chế, phương thức tiếp nhận, xử lý các thông tin báo chí, dư luận xã hội, người dân, doanh nghiệp về văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật, không phù hợp để kịp thời nghiên cứu, xử lý, góp phần tăng cường sự giám sát và niềm tin của người dân, của xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.
Thứ ba, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành tiếp tục tham mưu, phối hợp tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL để nhận diện, nghiên cứu xử lý, hoàn thiện, tháo gỡ những bất cập, hạn chế, vướng mắc về thể chế, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển, nhất là các "điểm nghẽn", "nút thắt" trong các lĩnh vực đang được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người dân quan tâm.
Phát huy vai trò của Tổ công tác đối với những vụ việc cụ thể, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm và có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành; tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình trên cơ sở kết quả rà soát văn bản QPPL trong thời gian qua.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Sơn (thực hiện)