Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà |
Các chuyên gia sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi triển khai thí điểm công tác giảng dạy về di sản trong môi trường giáo dục được thực hiện trong 2 năm vừa qua (2013-2014) tại 4 quốc gia (Pakistan, Palau, Uzbekistan và Việt Nam), cũng như kinh nghiệm tích hợp các di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững trong giáo trình hiện tại.
Từ lâu, chúng ta luôn xác định việc gìn giữ văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người. Vì vậy, công tác giáo dục di sản (đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường) thường được các nhà quản lý đề cập là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể cũng là linh hồn, sự sống làm nên giá trị các di tích văn hóa vật thể.
Để hiện thực hóa chính sách nói trên cũng như nhằm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học ở giáo dục phổ thông và giữ gìn, phát huy giá trị của di sản văn hóa, Bộ GD&ĐT và Bộ VHTT&DL đã ban hành Văn bản 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL ngày 16/1/2013 hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông hướng tới đích là giúp học sinh có những hiểu biết về những giá trị của các di sản, qua đó giáo dục các em về ý thức gìn giữ, bảo vệ các di sản văn hóa. Di sản văn hóa, dù dưới dạng vật thể hoặc phi vật thể đều có thể sử dụng trong quá trình dạy học, dưới hình thức tạo môi trường, tạo công cụ hoặc là nguồn cung cấp chất liệu để xây dựng nội dung dạy học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Nhà trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hoá để dạy học.
Việc làm này sẽ mang lại những kết quả tích cực, vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hoá. Bởi vậy, chương trình được xây dựng cần có sự linh hoạt và phải phù hợp với văn hóa địa phương và dân tộc, phù hợp với mọi điều kiện của nhà trường ở nông thôn, đô thị, miền núi, ven biển, hải đảo... và từng đối tượng học sinh.
Quan điểm chỉ đạo là lấy học sinh và hoạt động học tập là trung tâm, tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa gần gũi, xung quanh môi trường sống, dễ hiểu với học sinh và sử dụng những kinh nghiệm, tri thức của người dân địa phương. Hiện nay, giảng dạy về di sản đã là yêu cầu với các trường phổ thông. Các dự án đưa di sản vào trường học có được tác động tích cực, nhưng còn không ít thách thức đối với các nhà quản lý giáo dục, văn hóa.
Tại Hội nghị giao ban liên Bộ GD&ĐT và Bộ VHTT&DL, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cũng khẳng định: Việc đưa di sản vào dạy trong trường học cũng là cách để người địa phương biết quý trọng và bảo vệ di sản, phát huy giá trị của di sản, tạo ra nguồn lực cho và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Nguyệt Hà