In bài viết

Tăng cường giám sát việc trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo

(Chinhphu.vn) – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, khi tiếp nhận và chuyển những đơn thư khiếu nại, tố cáo sang các cơ quan có thẩm quyền khác, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát, đôn đốc trả lời.

28/09/2011 14:12

Nhấn mạnh yêu cầu tăng cường giám sát, đôn đốc việc trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, cần làm cho người dân hiểu rằng không phải chỉ cần đến Quốc hội là giải quyết được hết mọi vấn đề.

Sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về công tác dân nguyện năm 2011, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo tổng kết của Ban Dân nguyện, từ 15/8/2010- 15/8/2011, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, xử lý và chuyển 1.765 vụ việc, 3.3.45 đơn, thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận được hơn 3.000 văn bản trả lời.

Tuy nhiên, công tác giám sát, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế nên còn nhiều đơn thư chưa được trả lời hoặc trả lời còn sơ sài, không đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, khi tiếp nhận và chuyển những đơn thư khiếu nại, tố cáo sang các cơ quan có thẩm quyền khác, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát việc trả lời đơn thư, nếu cơ quan nào chậm trả lời thì phải tăng cường đôn đốc.

Với những đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết, các cơ quan của Quốc hội cần giải quyết nhanh, có văn bản trả lời nhân dân ngay. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, cần làm cho người dân hiểu rằng không phải chỉ gửi đến Quốc hội là giải quyết được hết mọi vấn đề, bởi chức năng của Quốc hội không phải là hành pháp.

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng cho rằng, việc tiếp công dân còn bất cập khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao nhiệm vụ này cho Ban Dân nguyện nhưng Ban này chỉ tiếp những trường hợp khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực tư pháp và hoạt động của Quốc hội. Trong khi đó, trên thực tế, nội dung khiếu nại, tố cáo thuộc nhiều lĩnh vực và lại chưa có quy chế phối hợp giữa Ban Dân nguyện với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cần phải làm rõ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có phải tiếp công dân hay không, từ đó giải quyết những bất cập trong việc phối hợp trả lời công dân giữa các cơ quan này với Ban Dân nguyện.

Ông Phan Trung Lý và một số đại biểu khác cũng cho rằng, trước khi gửi báo cáo về công tác dân nguyện tới các đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện cần làm rõ nguyên nhân khiến số lượt người khiếu nại, tố cáo năm 2011 giảm gần 49,25% so với năm 2010 nhưng số lượt người khiếu nại, tố cáo đông người lại tăng (31,21%).

Quang Thanh