Đề xuất trên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về giáo dục đời sống gia đình giai đoạn 2016 – 2020 (Chương trình). Chương trình này sẽ được thực hiện trọng phạm vi toàn quốc.
Theo dự thảo, Chương trình có mục tiêu nâng cao năng lực cho thành viên trong các gia đình thông qua việc cung cấp nội dung và hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục đời sống gia đình để giúp họ có kiến thức, kỹ năng tổ chức đời sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục về đời sống gia đình tới hộ gia đình, tại mỗi địa bàn khu dân cư, trong các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, nhà trường trên phạm vi cả nước. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, 80% trở lên hộ gia đình được tiếp cận thông tin về giáo dục đời sống gia đình; ít nhất 95% cơ quan báo, đài thực hiện tuyên truyền nội dung về giáo dục đời sống gia đình; ít nhất 80% học sinh trung học phổ thông và sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp được tham dự 2 buổi sinh hoạt chuyên đề/năm về vai trò của gia đình và giáo dục đời sống gia đình; ít nhất 50% thanh niên nông thôn được tham dự sinh hoạt chuyên đề 2 lần/năm về vai trò của gia đình và giáo dục đời sống gia đình...
Xây dựng mô hình thí điểm tại 6 địa phương
Theo Chương trình, sẽ tổ chức biên soạn và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn về giáo dục đời sống gia đình cho các Bộ, ngành, tổ chức làm công tác truyền thông, báo cáo viên... Dự kiến, 95% trở lên đơn vị hành chính cấp xã/phường và thị trấn được cung cấp tài liệu giáo dục đời sống gia đình (đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ này là 90%).
Chương trình dự kiến sẽ mở được ít nhất 3 lớp tập huấn bồi dưỡng báo cáo viên cấp quốc gia về giáo dục đời sống gia đình. Mỗi tỉnh/thành phố có ít nhất 15 báo cáo viên tuyến tỉnh về giáo dục đời sống gia đình; mỗi huyện có ít nhất 10 báo cáo viên tuyến huyện về giáo dục đời sống gia đình; mỗi xã, phường có ít nhất 5 báo cáo viên tuyến xã/phường, thị trấn về giáo dục đời sống gia đình.
Theo dự thảo, sẽ xây dựng mô hình thí điểm cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình tại 6 địa phương: Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Nam, Cần Thơ.
5 nhóm nội dung cơ bản
Theo dự thảo, nội dung giáo dục đời sống gia đình trong giai đoạn 2016 – 2020 chỉ tập trung vào 5 nhóm nội dung cơ bản sau đây: 1- Kiến thức chung về gia đình; 2- Những điều cần thiết chuẩn bị cho hôn nhân; 3- Kiến thức và kỹ năng cần thiết đối với gia đình trẻ; 4- Kiến thức và kỹ năng cần thiết đối với gia đình tuổi trung niên; 5- Kiến thức và kỹ năng cần thiết đối với gia đình người cao tuổi.
Dự thảo cũng nêu rõ, đối tượng thụ hưởng Chương trình là các thành viên trong gia đình (ông bà, cha mẹ, con cháu). Trong đó ưu tiên và tập trung đối tượng sau: Học sinh, sinh viên đang học tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và thanh niên.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn