Tại hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành tư pháp đã nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng và thi hành pháp luật, thi hành án, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý... phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Ngành đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra.
Qua đó, kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có một số lĩnh vực công tác có kết quả nổi bật.
Cụ thế, về xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả... Những kết quả nêu trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm; vẫn còn tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; có dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp còn chậm; còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục và tổ chức thi hành pháp luật; đánh giá công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ở cơ quan/đơn vị/địa phương; giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu về việc và về tiền trong thi hành án dân sự, thúc đẩy thi hành án hành chính...
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá bối cảnh 6 tháng đầu năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với tất cả các cấp, các ngành, trong đó có Bộ, ngành tư pháp.
Theo đó, công việc tiếp tục tăng về số lượng, khó về yêu cầu chuyên môn, gấp rút về thời gian; số lượng công việc đột xuất ngày càng nhiều; tình trạng “vừa chạy, vừa xếp hàng” trong thực hiện chuyển đổi số, trong khi đó các nguồn lực lại thiếu. Bối cảnh đó đã bộc lộ một số bất cập về thể chế, về trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, dẫn đến xảy ra một số vi phạm, thiếu sót.
Bộ trưởng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quy trình xây dựng pháp luật; công tác quản lý nhà nước tại một số đơn vị, một số địa phương do thiếu kiểm tra, giám sát nên đã để xảy ra vi phạm; vẫn còn một số trường hợp vi phạm chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực thi hành án dân sự, lượng án chuyển kỳ sau còn nhiều; ứng dụng CNTT và chuyển đổi số còn lúng túng; việc tiếp nhận, trả lời kiến nghị, hướng dẫn chuyên môn cho các bộ, ngành, địa phương có lúc còn chậm…
Bộ trưởng yêu cầu từ nay đến cuối năm, Bộ và ngành tư pháp cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; chủ động thực hiện các nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật đảm bảo đúng thời hạn, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác này.
Cơ quan tư pháp các địa phương cần tham gia tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là đối với các dự luật mà Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, ban hành. Mỗi dự luật cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, do đó cần sự phối hợp chặt chẽ với pháp chế các bộ, ngành như việc sửa đổi Luật Công chứng, Luật Đấu giá tài sản liên quan rất nhiều tới các luật khác như đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản,…
Cùng với đó, tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. Quan tâm hơn nữa tới công tác thu hồi tài sản Nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống thi hành án dân sự.
Tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao theo Đề án 06. Các địa phương cần chủ động thông tin, phối hợp kịp thời với các đơn vị liên quan thuộc Bộ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ tại Đề án. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doang nghiệp.
“Ngoài những nhiệm vụ trên, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp địa phương phải nêu cao tính gương mẫu đi đầu, không đùn đẩy, né tránh, dám đương đầu và có bản lĩnh để xử lý mọi công việc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lê Sơn