In bài viết

Tăng cường hơn nữa tính công khai trong giải quyết các kiến nghị của cử tri

(Chinhphu.vn) - Trong phiên họp thứ 10 diễn ra vào chiều 16/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

16/05/2017 17:10
Cử tri quận Hải An kiến nghị đến đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng. Ảnh VOV
Báo cáo kết quả cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội XIV của Ban Dân nguyện, UBTVQH cho biết, thông qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2 của các đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 3.320 kiến nghị của cử tri.

Các kiến nghị của cử tri đề cập đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội, từ những vấn đề hết sức cụ thể liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân, đến các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, đối với các hoạt động của Quốc hội, có 168/3.320 kiến nghị (chiếm 5,1%), nội dung tập trung vào việc yêu cầu các cơ quan của Quốc hội quan tâm cải tiến quy trình để nâng cao chất lượng xây dựng luật; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt là lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản pháp luật một cách hiệu quả, thiết thực hơn; quan tâm xây dựng quy trình, thủ tục đơn giản ngắn gọn để đại biểu Quốc hội đề xuất sáng kiến xây dựng luật;…

Đối với công tác điều hành của Chính phủ, có 3.119/3.320 kiến nghị (chiếm 94%), có nội dung tập trung chủ yếu vào các nhóm vấn đề là: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; giao thông vận tải, xây dựng; tài nguyên và môi trường;...

Đối với các hoạt động của Tòa án nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, có 13/3.320 kiến nghị, nội dung kiến nghị đề cập đến công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại thẩm phán; biên chế và phụ cấp một số chức danh của tòa án nhân dân cấp huyện và biên chế cho ngành kiểm sát; việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để giảm thiểu tỷ lệ án oan sai;...

Đối với hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan, tổ chức khác, có 20/3.320 kiến nghị. Cử tri cho rằng, tình trạng tiêu cực trong công tác quản lý, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thời gian qua cho thấy việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn chưa nghiêm, nếu không chấn chỉnh, xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân vào Đảng,... Cử tri kiến nghị các cấp ủy Đảng, các cơ quan, tổ chức cần tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn vấn đề này. Bên cạnh đó, kết quả xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể cần thông báo công khai để cử tri biết và giám sát vệc thực hiện.

Về kết quả giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thầm quyền cụ thể như sau: Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của UBTVQH tiếp nhận, giải quyết và có văn bản trả lời 168/168 kiến nghị của cử tri (đạt 100%).

Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận, nghiên cứu, giải quyết và có văn bản trả lời 3.119/3.119 kiến nghị của cử tri (đạt 100%). Trong đó, có 2.124 kiến nghị (chiếm 68,1%) đã được trả lời giải trình, cung cấp thông tin với cử tri; 535 kiến nghị (chiếm 17,2%) đã được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết xong; 460 kiến nghị (chiếm 14,7%) đang nghiên cứu đã có văn bản trả lời cử tri sẽ giải quyết trong thời gian tới (nhưng không nêu lộ trình).

Tòa án nhân dân Tối cao đã trả lời 10/10 kiến nghị của cử tri (đạt 100%). Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã trả lời 3/3 kiến nghị của cử tri (đạt 100%).

Ngoài ra, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan tổ chức khác có 20 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các tổ chức chính trị-xã hội, Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan, tổ chức khác. Nội dung kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách đối với các cán bộ tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị-xã hội; về đề nghị giám sát và xử lý vi phạm trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ,... Các kiến nghị này đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết và trả lời cử tri.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các thành viên UBTVQH về Báo cáo kết quả cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội XIV của Ban Dân nguyện, phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, có 9 ý kiến phát biểu tại thảo luận; cơ bản các ý kiến đều tán thành với nội dung đã nêu trong Báo cáo, đặc biệt các ý kiến đánh giá cao kết quả giải quyết các kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan,…

Các ý kiến phát biểu đề nghị Báo cáo cần làm rõ hơn nội dung, kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri ở các địa phương; hạn chế tình trạng trả lời kiến nghị còn chậm hoặc chưa đầy đủ; tập trung hơn trong hoạt động giám sát các vụ việc kiến nghị kéo dài; hạn chế tối đa việc trả lời vòng vo của các cơ quan chức năng; tăng cường hơn nữa tính công khai trong giải quyết các kiến nghị của cử tri;…

“Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại Thường vụ hôm nay, tôi đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu và hoàn thiện Báo cáo, trình UBTVQH xem xét, quyết định”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu.

Nguyễn Hoàng