Dự án bao gồm các hoạt động chính: Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam; tìm kiếm, hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2, cấp 3 và giới thiệu đến nhà cung cấp cấp 1 từ những dữ liệu của hoạt động sàng lọc; hỗ trợ tham gia đào tạo theo một số chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam.
Thống kê của Cục Công nghiệp cho thấy, Việt Nam hiện có 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tỉ lệ nội địa hoá trong nhiều ngành còn ở mức thấp.
Theo Cục Công nghiệp, thông qua dự án hợp tác này, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của khách hàng không chỉ về giá cả, công nghệ, chất lượng, giao hàng mà còn cả yêu cầu về trách nhiệm xã hội liên quan đến an toàn, môi trường, điều kiện lao động.
Về phía Toyota, doanh nghiệp kỳ vọng việc hợp tác sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực, góp phần nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.
Trong giai đoạn 2020 - 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Toyota Việt Nam vẫn tuyển dụng thêm 12 nhà cung cấp mới trong tổng số 46 nhà cung cấp (trong đó có 6 nhà cung cấp thuần Việt). Đến nay, doanh nghiệp là nhà sản xuất ô tô FDI có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất với hơn 724 linh kiện (như thân xe, khung gầm, ghế, ắc quy...). Riêng giai đoạn 2020 - 2021 có 324 linh kiện mới được nội địa hóa.
Trong năm 2022, Toyota Việt Nam đặt mục tiêu tăng thêm nhiều nhà cung cấp mới và hơn 200 linh kiện mới được nội địa hóa.
Nhật Thy