Quy định mới của Liên minh Châu Âu (EU) về chống phá rừng bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo các sản phẩm được bán ở thị trường EU không dẫn đến nạn phá rừng và làm suy thoái rừng. Các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của quy định mới gồm: cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su kể từ sau ngày 31/12/2020 từ các quốc gia vào EU. Các sản phẩm thuộc nhóm hàng hóa vừa nêu nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường này.
Khó khăn lớn nhất mà các chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam đang gặp phải trong thực hiện quy định mới của EU là việc cơ sở dữ liệu định vị diện tích rừng; truy xuất nguồn gốc; triển khai hệ thống giám sát chống phá rừng.
Dẫn chứng những thách thức đối với ngành hàng cà phê trong thực hiện quy định mới của EU về chống phá rừng, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Chương trình Cảnh quan Bền vững cho rằng: "Cần tăng cường giám sát bảo vệ rừng theo vùng rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao, qua đó xây dựng cơ chế phản hồi thông tin, tăng cường năng lực cho đội ngũ bảo vệ rừng, tái sinh rừng, kết hợp giải pháp hỗ trợ mô hình sinh kế trong nông hộ, đặc biệt là hỗ trợ mô hình nông dân đã gây mất rừng và các hộ nông dân ở các vùng nguy cơ cao về mất rừng".
Trong bối cảnh chỉ còn chưa tới 18 tháng trước khi quy định mới của EU được thực hiện, bởi sau ngày 31/12/2024 nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31/12/2020, một số đại biểu cho rằng, việc rà soát các vùng rủi ro trong chuỗi cung ứng nông sản liên quan tới nông hộ là rất cần thiết. Theo đó, cần có chiến lược, kế hoạch chi tiết và cụ thể trong thu thập và xử lý thông tin của hàng triệu nông hộ theo quy định mới về chống phá rừng.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quan hệ và Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), cần đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân hiểu rõ quy định mới về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nông sản, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và người dân trong phối hợp thực hiện.
Ông Tuấn nhấn mạnh: "Phải có sự hợp tác giữa các bên giữa khu vực công và khu vực tư nhân; từ trung ương xuống địa phương cũng như giữa các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và hộ nông dân, HTX cùng với hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Xây dựng kế hoạch hành động, tuyên truyền cũng như vận động nông dân với các giải pháp về kỹ thuật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về vườn trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như chuẩn bị giải pháp ứng phó rủi ro phát sinh…"
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp chủ động thích ứng với sự thay đổi trong đó có quy định mới của EU về chống phá rừng và suy thoái rừng. Đây là cơ hội để cấu trúc lại ngành hàng liên quan tới rừng, tới lâm nghiệp như: cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ. Chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà đây là xu thế của thế giới trong tăng trưởng Xanh, hướng tới nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Mỗi sự thay đổi đều có những khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì còn khó khăn hơn nữa, các hiệp hội ngành hàng đều hiểu được điều đó. Thành công hay không là nhờ vào việc chúng ta có tư duy và hành động hệ thống, hệ thống càng rộng theo chiều ngang, càng dài theo chiều dọc cần phải có tư duy gắn kết giữa Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành; giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế; giữa trung ương với các địa phương, giữa hai tác nhân rất lớn là doanh nghiệp và cộng đồng người dân sản xuất những mặt hàng liên quan đến quy định này".
Đỗ Hương