Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành
Đó là nội dung tại Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 30/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn.
Thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19 tháng 6 năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 02) và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ chuyển đổi số và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập: (i) thể chế, hành lang pháp lý còn thiếu, chưa đồng bộ (pháp luật về chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang trong quá trình hoàn thiện; chưa ban hành Khung Kiến trúc tổng thể quốc gia số; chưa có cơ chế bắt buộc, đánh giá định kỳ việc tuân thủ thực hiện Khung Kiến trúc Chính phủ số phiên bản 4.0); (ii) hạ tầng số của các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành hiện đang phân tán, chưa đồng bộ, khó tích hợp; (iii) dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp còn thiếu, trùng lặp, chưa chuẩn hóa (trong 116 cơ sở dữ liệu đã được Chính phủ chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện tại Nghị quyết số 71/NQ-CP vẫn còn 33 cơ sở dữ liệu chưa triển khai; nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được xây dựng, hoàn thiện theo lộ trình, chưa bảo đảm "đúng - đủ - sạch - sống - thống nhất - dùng chung"); (iv) nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia chưa được triển khai đồng bộ; việc tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính còn hình thức, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Những hạn chế, bất cập nêu trên không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước, việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số và Đề án 06.
Để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung và kịp thời chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Về thể chế, cơ chế chính sách, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV.
Bộ Công an phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu bắt buộc giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó xác định rõ danh mục dữ liệu phải chia sẻ, tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối và trách nhiệm của từng cơ quan, hoàn thành trong tháng 8 năm 2025.
Đồng thời, chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn về Kiến trúc dữ liệu quốc gia tổng thể, Khung quản trị, quản lý dữ liệu quốc gia, Từ điển dữ liệu dùng chung phù hợp với yêu cầu phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, hoàn thành trong tháng 8 năm 2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành Khung Kiến trúc tổng thể quốc gia số trong đó bảo đảm tính kết nối, đồng bộ, liên thông giữa các khối cơ quan (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội), phù hợp với mô hình chính quyền từ Trung ương đến cấp xã, hoàn thành trong tháng 8 năm 2025.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để kết nối, chia sẻ các dữ liệu bắt buộc từ địa phương lên Trung ương theo ngành dọc quản lý; hoàn thiện các quy định về quản trị dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu đầu vào, cơ chế chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu thuộc phạm vi quản lý với Trung tâm dữ liệu quốc gia theo quy định chung của Chính phủ, hoàn thành trong tháng 8 năm 2025.
Về hạ tầng số, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn diện, đánh giá hiện trạng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trên cơ sở đó tiếp tục xây dựng, cập nhật, bổ sung hệ thống cơ sở dữ liệu theo từng bộ, ngành, địa phương, bảo đảm đồng bộ về cấu trúc, tiêu chuẩn, trường thông tin, phục vụ kết nối liên thông trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Khẩn trương triển khai xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia từ ngày 19 tháng 8 năm 2025, cung cấp, hỗ trợ hạ tầng dùng chung, bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát, đánh giá hạ tầng số của các bộ, ngành, địa phương bao gồm hạ tầng mạng Truyền số liệu chuyên dùng, các nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu liên tục, thông suốt, không gián đoạn giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung.
Về Dữ liệu, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo lộ trình.
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí ngân sách nhà nước.
Các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng 116 cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo danh mục tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ;
11 cơ sở dữ liệu: quốc gia về Đất đai, quốc gia về Tài chính, quốc gia về Hoạt động xây dựng, quốc gia về Kiểm soát Tài sản thu nhập, quốc gia Xử lý vi phạm hành chính, ngành Nông nghiệp, quốc gia về An sinh Xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo, hộ tịch, ngành về Y tế, hàng hóa (hóa chất, tiền chất).
Các bộ, cơ quan chủ trì triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoàn thiện xây dựng, làm sạch và đưa vào khai thác, sử dụng, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, dùng chung", hoàn thành xây dựng, phát triển 11 cơ sở dữ liệu theo Kế hoạch số 02 ngày 19 tháng 6 năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương, hoàn thành trong quý 3 năm 2025;
Đồng bộ dữ liệu cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại Luật căn cước năm 2023 và Nghị định hướng dẫn số 70/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ để cắt giảm thủ tục hành chính, tối ưu hoá quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo mức độ tăng trưởng của dữ liệu, bảo đảm người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước;
Hoàn thiện các nền tảng dùng chung, chuẩn hóa và kết nối cơ sở dữ liệu, triển khai tích hợp, cung cấp giấy tờ điện tử trên VNeID, hoàn thành trong tháng 9 năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, công ty công nghệ (VNPT, Viettel, FPT, Mobifone, TecaPro, CMC, GTel...) hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong việc nâng cấp, chỉnh sửa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh xác thực điện tử để kịp thời phục vụ người dân, doanh nghiệp không bị gián đoạn trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, hoàn thành trước tháng 9 năm 2025.
Về nguồn lực, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan bảo đảm bố trí đủ nguồn lực tài chính để đầu tư, nâng cấp các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng số, dữ liệu số.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công nghệ thông tin, chuyển đổi số; có phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thuê chuyên gia, nhân sự công nghệ theo hình thức phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Công điện này.
Thủ tướng Chính phủ Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trong Công điện này.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Đồng chí Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch, Tổng Giám đốc các Tập đoàn, doanh nghiệp lãnh đạo, phát huy tinh thần trách nhiệm cao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, chất lượng./.