In bài viết

Tăng cường phối hợp trong phòng, chống thiên tai

(Chinhphu.vn) – Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đê điều, thủy lợi, lâm nghiệp…; chia sẻ thông tin về hiện trạng nguồn dữ liệu liên quan đến nhiệt độ, lượng mưa, nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng…

08/10/2018 09:02
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến của các loại hình thiên tai ngày càng bất thường và khó dự báo hơn
Trong những năm gần đây, độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao hơn. Đặc biệt trong vấn đề dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, lũ lụt vốn là những loại hình thời tiết rất nguy hiểm, tác động và gây thiệt hại trên diện rộng về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Về dự báo, cảnh báo bão: độ chính xác trong bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; Dự báo, cảnh báo mưa lớn: trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%, đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông: mới chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3giờ; Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh: trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%; Dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày và khu vực Bắc Bộ trước 3-5 ngày với độ tin cậy 70-80%; Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng có độ tin cậy từ 80-90%.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, về mặt dự báo định lượng (cường độ bão, cường độ mưa lớn…) vẫn còn những hạn chế, công tác dự báo lũ, ngập lụt vùng hạ lưu các sông, cảnh báo, dự báo dông sét, lũ quét, sạt lở đất đã được thực hiện nhưng chưa đủ chi tiết và đảm bảo thời gian để triển khai các biện pháp phòng, chống.

Nguyên nhân là do hạn chế về công nghệ của cả hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin và hệ thống xử lý số liệu, phân tích dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; các thông tin, số liệu về vận hành hồ chứa chưa được đồng bộ hóa cùng hệ thống số liệu khí tượng thủy văn; trình độ của cán bộ chuyên môn kỹ thuật nói chung và của dự báo viên nói riêng còn hạn chế, đặc biệt là cấp khu vực và cấp tỉnh; biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra những thách thức mới cho công tác dự báo khí tượng thủy văn.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến của các loại hình thiên tai ngày càng bất thường và khó dự báo hơn. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương chủ động đẩy mạnh công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, coi đây là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình, cụ thể: đã rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đê điều, thủy lợi, lâm nghiệp…; chia sẻ thông tin về hiện trạng nguồn dữ liệu liên quan đến nhiệt độ, lượng mưa, nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất, nước biển dâng… hiện đại hóa hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai; cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, góp phần vào phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; phối hợp tham gia thẩm định, kiểm tra, giám sát, đánh giá các chương trình, dự án liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.

BT