Việc ký kết sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong công tác phối hợp giữa các đơn vị nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị cũng như của hai Bộ, ngành.
Đến dự và chứng kiến Lễ ký kết Chương trình phối hợp có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. Tham dự buổi Lễ còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tại buổi Lễ, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Cục Báo chí đã thống nhất nội dung phối hợp công tác giai đoạn 2024-2027, tập trung vào các hoạt động như tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) gắn với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi đơn vị.
Chỉ đạo các cơ quan báo chí tham gia thực hiện truyền thông chính sách, PBGDPL, thông tin về hoạt động PBGDPL với những nội dung: Phổ biến, truyền thông về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; quan điểm, chủ trương, chính sách trong các văn bản pháp luật mới ban hành; thành tựu trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Việt Nam.
Đẩy mạnh truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”; những quy định liên quan đến các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận thuộc phạm vi quản lý nhà nước của hai đơn vị; Kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp từ trung ương đến địa phương.
Đồng thời, thông tin chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện công tác PBGDPL, truyền thông chính sách pháp luật; Giáo dục, vận động người dân xây dựng ý thức tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật; thông tin, phản ánh tình hình dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân đối với các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý của hai đơn vị; gương người tốt, việc tốt; các điển hình tiên tiến trong xây dựng, thi hành pháp luật, truyền thông chính sách, PBGDPL; giới thiệu, phổ biến rộng rãi các mô hình PBGDPL mới có hiệu quả và thiết thực; các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nhiệm vụ chính trị, pháp lý khác; định hướng thông tin tuyên truyền, xử lý những dấu hiệu khủng hoảng truyền thông chính sách.
Phối hợp thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, pháp luật theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách gắn với việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg.
Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu kỹ năng, nghiệp vụ về truyền thông chính sách, PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật trung ương, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở trung ương.
Triển khai cung cấp, chia sẻ thông tin phổ biến, truyền thông chính sách pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia; thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, truyền thông chính sách pháp luật.
Phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin về tin, bài truyền thông chính sách pháp luật, PBGDPL được báo chí đăng nhằm kịp thời nắm bắt, tham mưu nội dung cần triển khai bảo đảm hiệu quả, chất lượng.
Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả phối hợp trên cơ sở Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hằng năm; nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp của hai bên.
Cũng tại buổi Lễ, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Cục Thông tin đối ngoại đã thống nhất nội dung phối hợp giai đoạn 2024-2028, tập trung vào các hoạt động gồm: phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin đối ngoại trong triển khai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT), pháp luật Việt Nam về hai lĩnh vực này cho các bộ, ngành, địa phương.
Phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn về nội dung Công ước ICCPR và Công ước CAT; pháp luật Việt Nam về hai lĩnh vực này cho các cán bộ, công chức làm công tác thông tin đối ngoại ở trung ương và địa phương; kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội cho cán bộ, công chức làm công tác thông tin đối ngoại ở trung ương và địa phương; pháp luật về quyền con người cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; các khóa đào tạo trực tuyến mở, đại trà (MOOCs) các Công ước quốc tế về quyền con người; chính sách, pháp luật của Việt Nam về quyền con người… cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, lực lượng làm công tác truyền thông.
Phối hợp truyền thông về Công ước ICCPR, Công ước CAT và thành tựu của Việt Nam. Trao đổi tin, bài, dữ liệu truyền thông để đăng tải trên các nền tảng truyền thông của Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia và Cổng thông tin đối ngoại quốc gia Vietnam.vn. Phối hợp truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội cho các đối tượng làm công tác thông tin đối ngoại ở trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh tới ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 407, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ đồng thời khẳng định công tác truyền thông chính sách đi trước, đón đầu sẽ tạo được sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân. Với vai trò quản lý nhà nước về báo chí, chuyển đổi số.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, việc nắm bắt chủ trương, hoạch định chính sách, lấy ý kiến nhân dân, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực thi pháp luật thuộc phạm vi quản lý đều là các khâu vô cùng quan trọng. Để mỗi khâu đạt hiệu quả thì việc truyền thông chính sách để tạo đồng thuận cũng như góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng chính sách là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh nguồn lực hạn chế thì việc phối hợp giữa các đơn vị của 2 Bộ là giải pháp tối ưu nhất để các đơn vị triển khai tốt thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.
Đánh giá cao đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cũng nhấn mạnh công tác truyền thông chính sách là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ hết sức quan tâm, điều này đã được thể hiện rõ tại Nghị quyết Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó xác định rõ giải pháp về tăng cường công tác truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Thứ trưởng đánh giá nội dung chương trình, mục đích ký kết hết sức thiết thực, trên cơ sở đó các cơ quan sẽ có nhiều giải pháp tham mưu Chính phủ, Hội đồng PBGDPL trung ương để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, truyền thông chính sách theo phương châm thực chất, hiệu quả, bám sát yêu cầu của Ban Bí thư tại Kết luận số 80 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32, Quyết định 407 và Chỉ thị số 07. Thứ trưởng tin tưởng thông qua các nội dung phối hợp sẽ góp phần thúc đẩy các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của ngành mình.
Tại buổi Lễ, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc và Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cùng Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Phạm Anh Tuấn đã ký kết các Chương trình phối hợp công tác.
Lê Sơn