In bài viết

Tăng cường quan hệ hợp tác và đối thoại giữa ASEAN – Trung Quốc

Ngày 30/10, lãnh đạo cao cấp 10 nước ASEAN và Trung Quốc sẽ đến Nam Ninh, nơi được được mệnh danh là "Thành thị xanh Trung Hoa", thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 15 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc. Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Ôn Gia Bảo, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị quan trọng này.

30/10/2006 07:55
Nam Ninh

Nam Ninh (TQ) – Nơi sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao kỷ niệm 15 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đang tích cực triển khai chiến lược “trỗi dậy hòa bình”, ngày càng chủ động vươn ra đóng vai trò lớn hơn trong khu vực và quốc tế. Trong khi đó, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, các nước ASEAN không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại để khẳng định vai trò quan trọng trong khu vực, đồng thời cùng nhau hợp tác chặt chẽ để xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020.

ASEAN – Trung Quốc: Mười lăm năm cùng hợp tác và phát triển

Nhớ lại, 15 năm trước, năm 1991, quan hệ ASEAN – Trung Quốc bắt đầu được khởi động với việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc họp không chính thức với các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN. Ba năm sau đó, Trung Quốc trở thành Đối tác Đối thoại bộ phận của ASEAN. Đến năm 1996, Trung Quốc chính thức trở thành một bên đối thoại đầy đủ của ASEAN. Tháng 12/1997, tại Kuala Lumpur, Malaixia, Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc đầu tiên được tổ chức. Tại đây, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc nhất trí, xây dựng mối quan hệ đối tác ASEAN – Trung Quốc theo hướng, láng giềng tốt đẹp, tin cậy lẫn nhau, hướng tới thế kỷ 21. Sau đó, với việc thông qua Tuyên bố chung của Người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng (10/2003) và Kế hoạch hành động 5 năm nhằm thực hiện Tuyên bố chung tại Cấp cao ASEAN – Trung Quốc vào tháng 11/2004 ở Viên Chăn (Lào) làm cho quan hệ đối thoại và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc đã được nâng lên tầm cao mới.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của các nước ASEAN từ TQ trong những năm gần đây

Song song với một loạt các thỏa thuận được ký giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong lĩnh vực hợp tác về chính trị, an ninh, những năm qua, hợp tác kinh tế và thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc phát triển nhanh chóng, nhất là từ khi lãnh đạo các nước này ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện (11/2002), mở đường cho việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2010. Điều đó được minh chứng bởi những con số hết sức thuyết phục: Năm 2004, kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN – Trung Quốc đã đạt trên 107 tỷ USD, và hơn 130 tỷ USD vào năm 2005. ASEAN trở thành bạn hàng mậu dịch lớn thứ 4 của Trung Quốc, chiếm tỉ trọng 11,2% trong kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Hợp tác đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc cũng đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Năm 2004, Trung Quốc đầu tư vào các nước ASEAN 65 dự án mới tăng 225 triệu USD so với năm 2003; năm 2005 tăng lên hơn 300 triệu USD so với năm 2004. Ngược lại, các nước ASEAN cũng không ngừng tăng đầu tư vào Trung Quốc; năm 2004, tổng kim ngạch đầu tư tăng mới hơn 2,5 tỷ USD; năm 2005 tăng hơn 3,1 tỷ USD.

Sự hợp tác ngày càng được đẩy lên một bước sâu, rộng hơn, khi vào tháng 12/2005, các nhà Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc quyết định mở rộng hợp tác ASEAN – Trung Quốc từ năm lên mười lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hai chiều, phát triển Lưu vực Sông Mê Kông, giao thông, năng lượng, văn hóa, du lịch và y tế cộng đồng.

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai vì Hòa Bình và Thịnh vượng chung của Khu vực

Song song với tiến trình phát triển quan hệ hợp tác, đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc, 15 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt – Trung phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Hai bên đã khai thông đường hàng không, đường biển, đường bộ, đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu hàng hóa và hành khách giữa hai nước.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (tháng 2/1999) lãnh đạo cấp cao hai nước đã xác định phương châm 16 chữ vàng thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Đến năm 2000, nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới, cụ thể hóa phương châm 16 chữ đó thành những biện pháp cụ thể phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cũng thỏa thuận đưa hai nước trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Từ đó đến nay, hai bên duy trì đều đặn các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước. Hai bên đạt được nhất trí trên nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ song phương, vấn đề quốc tế và khu vực. Các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng luôn khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ Việt – Trung. Tổng Bí thư, Chủ nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng khẳng định hết sức coi trọng quan hệ Việt – Trung. Ông nêu 5 kinh nghiệm để quan hệ giữa hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và thuận lợi. Đó là tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng nhau. Ông nhiều lần nhấn mạnh sự tin cậy giữa hai bên và giải thích nội hàm của tinh thần tốt là “láng giềng tốt thuận hòa hữu nghị, bạn bè tốt tin cậy lẫn nhau, đồng chí tốt chung một chí hướng, đối tác tốt hợp tác chân thành”.

Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển

Quan hệ chính trị, ngoại giao đã mở đường cho quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước có bước phát triển đột phá. Hiện nay, Trung Quốc trở thành bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2005, kim ngạch mậu dịch song phương đạt hơn 8,7 tỷ USD. 7 tháng đầu năm 2006, tổng kim ngạch mậu dịch đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ. Các chuyên gia kinh tế dự kiến, tổng kim ngạch mậu dịch Việt – Trung năm 2006 đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2005, hoàn thành trước thời hạn mục tiêu mà hai Thủ tướng hai nước đã thỏa thuận nâng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2010.

Tuy nhiên, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc. Để giải quyết việc này, lãnh đạo hai bên đã trao đổi các biên pháp tăng kim ngạch song phương đi đôi với giảm dần mức nhập siêu của phía Việt Nam. Phía Trung Quốc hứa sẽ nhập nhiều hơn dầu thô, than đá, thủy hải sản, hoa quả nhiệt đới, tạo thuận lợi hơn nữa cho sản phẩm Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, cam kết với điều kiện tương tự như các nước khác thì sẽ ưu tiên nhập của Việt Nam, mở rộng đầu tư ở Việt Nam để tăng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đặc biệt, việc hợp tác xây dựng "Hai hành lang và một vành đai kinh tế": Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ đã được khẳng định sau cuộc gặp gỡ và tọa đàm giữa hai Thủ tướng của hai nước năm 2004 và trở thành quy hoạch chung trong hợp tác kinh tế trung và dài hạn Việt Nam - Trung Quốc. Hiện nay, vấn đề xây dựng “hai hành lang, một vành đai kinh tế” đã được Tổ chuyên gia hai nước họp đến lần thứ hai và sẽ sớm trình lên Chính phủ mỗi nước thẩm định, phê duyệt.

Bên cạnh đó, các địa phương, nhất là các tỉnh vùng biên giới giữa hai nước cũng đang tăng cường quan hệ hợp tác trực tiếp với nhiều hình thức đa dạng và thiết thực như trao đổi đoàn khảo sát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, ký kết các văn bản hợp tác, cùng nhau tổ chức hội chợ triển lãm…Những mối quan hệ, hợp tác này góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là giữa hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam Trung Quốc và các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Lãnh đạo hai nước luôn tin tưởng, tiềm năng phát triển của mối quan hệ Việt – Trung là rất lớn, với sự cố gắng chung của hai bên, mối quan hệ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” sẽ không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp hơn trong thế kỷ 21, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực Đông Á và trên thế giới.

 

Việt Đông