Ảnh minh họa |
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật bảo vệ môi trường đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại phiên họp ngày 23/6/2014 của Kỳ họp thứ 7. Đây là công cụ pháp lý quan trọng nhằm giữ gìn, bảo vệ môi trường phục vụ cho phát triển bền vững, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của toàn thể nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Luật bảo vệ môi trường năm 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Nghị định quy định về quản lý chất thải và phế liệu được xây dựng nhằm cụ thể hóa các chế định đưa ra tại Luật bảo vệ môi trường theo hướng quy định rõ ràng, đảm bảo tính khả thi và được ban hành kịp thời điểm có hiệu lực của Luật bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Nghị định gồm 10 chương, 60 điều dựa trên quan điểm coi phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường là nhiệm vụ chính; bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, khoa học và thực thi của các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm chủ động của các cơ quan nhà nước về quản lý chất thải và phế liệu; minh bạch hóa, dân chủ hóa hoạt động quản lý nhà nước về môi trường nhằm đề cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động quản lý chất thải và phế liệu; chú trọng các biện pháp thúc đẩy thực thi pháp luật về quản lý chất thải và phế liệu.
Bên cạnh những quy định chung, dự thảo Nghị định đã có những quy định rất cụ thể về quản lý chất thải nguy hại; chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thông thường; chất thải lỏng thông thường; quản lý nước thải; quản lý bụi và khí thải; đầu tư và chi phí cho quản lý chất thải; ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu...
Khuyến khích tái sử dụng nước thải theo quy định
Theo dự thảo, nước thải phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải ra môi trường. Đồng thời, phải được quản lý thông qua các hoạt động giảm thiểu, thu gom và xử lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất: Khuyến khích việc tái sử dụng nước thải theo quy định của pháp luật. Tổ chức, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh nước thải phải đóng phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Về việc thu gom, xử lý nước thải, theo dự thảo, các điểm phát sinh nước thải đều phải được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải. Đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tách biệt với hệ thống thoát nước mưa.
Nước thải khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề phải được thu gom, xử lý trước khi đổ ra điểm đấu nối vào hệ thống thoát nước thải. Nước thải phát sinh tại cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải, hoặc không xử lý được tại chỗ phải được thu gom và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, khu dân cư tập trung, tòa nhà Văn phòng… phải được thu gom vào bể tự hoại trước khi đổ ra điểm đấu nối vào hệ thống thoát nước thải.
Dự thảo nêu rõ, các dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung, tòa nhà Văn phòng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Bên cạnh đó, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trường hợp bố trí riêng hệ thống thoát nước mưa thì không phải đưa nước mưa chảy tràn vào xử lý tại hệ thống xử lý nước thải.
Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Có quy trình công nghệ phù hợp với loại hình nước thải cần xử lý; đủ công suất xử lý nước thải phù hợp với khối lượng nước thải phát sinh; xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát; vận hành thường xuyên.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải lớn và có nguy cơ tác hại đến môi trường phải tổ chức quan trắc môi trường nước thải tự động và chuyển số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn