In bài viết

Tăng cường quản lý thị trường phân bón

(Chinhphu.vn) - Ngày 20/10, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quản lý thị trường phân bón” nhằm cung cấp thông tin về các điểm nổi bật trong Nghị định 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, đồng thời giải đáp băn khoăn, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về các vấn đề trong triển khai các quy định mới về quản lý phân bón.

20/10/2017 15:35
Các khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Công Việt
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, kẽ hở, những vấn đề chưa bắt kịp yêu cầu thực tiễn… dẫn đến thị trường phân bón phát triển ồ ạt, không theo định hướng, ngày 20/9/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 202/2013.   

Nghị định 108 được đánh giá là văn bản chặt chẽ, toàn diện quy định quản lý Nhà nước về phân bón, bao gồm: Công nhận, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo, hội thảo và sử dụng phân bón ở Việt Nam.

Ngay sau khi được ban hành, Nghị định đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp và người dân, vì những quy định mới sẽ tác động tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.

Để chủ động cung cấp thông tin về các điểm nổi bật trong Nghị định 108, đồng thời giải đáp băn khoăn, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về các vấn đề trong quá trình triển khai các quy định mới về quản lý phân bón, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quản lý thị trường phân bón”.

Khách mời của tọa đàm:

- Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT);

- Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Dưới đây là nội dung Tọa đàm:

Thưa ông Hoàng Trung, Nghị định số 108 về quản lý phân bón mới được Chính phủ ban hành đang nhận được rất nhiều sự kỳ vọng của dư luận, ông có thể khái quát về những điểm nổi bật trong Nghị định này? 

Ông Hoàng Trung: Trước khi đi vào điểm nổi bật cũng như điểm mới của Nghị định 108 được Chính phủ ban hành ngày 20/9/2017, tôi khái quát về những số liệu đáng quan tâm về thực trạng của ngành phân bón hiện nay.

Thứ nhất, ngay sau khi Nghị định được ban hành, Bộ NN&PTNT chính thức nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón. Cho đến nay, riêng phân bón vô cơ mà Bộ này tiếp nhận từ Bộ Công Thương là 13.423 sản phẩm. Trong đó tính từ thời điểm 1/1/2017 đến nay là 7.840 sản phẩm, tăng gần gấp đôi chỉ trong 8 tháng.  

Thứ hai, về cơ sở sản xuất phân bón Bộ NN&PTNT đã tiếp nhận 554 cơ sở sản xuất. Tính đến thời điểm này, số lượng sản phẩm phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam là 14.174 sản phẩm, cả phân bón vô cơ và hữu cơ. Trong đó, phân hữu cơ chiếm 53%. Cơ sở sản xuất có 706 nhà máy. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm hợp quy vẫn đang được Bộ Công Thương tiếp tục gửi về, nên số lượng phân bón vẫn tiếp tục tăng. Với số lượng phân bón và nhà máy sản xuất như trên, thì lượng phân bón vô cơ là 26,5 triệu tấn và phân hữu cơ khoảng 2,5 triệu tấn và hằng năm nhập khẩu 4 triệu tấn. Như vậy, tổng sản lượng phân bón là khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp (hằng năm chỉ cần từ 10 đến 11 triệu tấn).

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay thì số lượng phân bón dư thừa là quá lớn dẫn tới một hệ lụy là phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, người dân khó nhận biết, chọn lựa. Chính vì vậy, Nghị định 108 ra đời nhằm siết chặt quản lý ngay từ đầu vào và tất cả các khâu trong sản xuất.

Nghị định 108 có một số điểm mới sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, nếu trước đây chỉ công bố hợp quy là đưa ra lưu thông thì nay được siết chặt hơn, tức là phải qua các bước từ khâu kỹ thuật đến khâu lưu hành được công nhận. Việc đặt tên nhãn, mác, quảng cáo được bổ sung. Nhằm khuyến khích cũng như định hướng cho ngành nông nghiệp hữu cơ, trong Nghị định 108 có một điều khoản ghi rất rõ là “Tất cả phân bón hữu cơ được sản xuất theo phương thức truyền thống không nhằm mục đích thương mại để tự phục vụ cho sản xuất thì không chịu sự điều chỉnh của Nghị định này”, điều này là để tạo điều kiện cho phân bón hữu cơ phát triển về sau. Tiếp đó là thay đổi về phương thức quản lý. Trước đây là hai bộ quản lý thì nay thống nhất chỉ do Bộ NN&PTNT quản lý để tạo chủ động và tránh chồng chéo. Phân bón là hàng hoá thuộc nhóm 2 (hàng hoá có nguy cơ gây mất an toàn) theo các luật sản phẩm và phải được đánh giá công nhận lưu hành tại Việt Nam. Đây là phương thức thay đổi hoàn toàn và vấn đề thực thi do Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm.

Thứ hai, là đổi mới công tác khảo nghiệm. Trước đây, cho phép doanh nghiệp và cá nhân tự khảo nghiệm, dẫn đến nhiều hậu quả lớn vì không có sự can thiệp của Nhà nước, không công khai minh bạch nên nhiều loại phân bón không cần khảo nghiệm, xảy ra việc gian dối trong báo cáo khảo nghiệm, tự mang báo cáo đó đến các tổ chức công nhận hợp quy rồi đưa ra thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng sản phẩm tăng cao cho đến thời điểm này. Khảo nghiệm là công việc vô cùng quan trọng, chính vì vậy, lần này Nghị định quy định rất chặt chẽ như: Tất cả các sản phẩm trước khi lưu hành đều phải khảo nghiệm (trừ một loại cơ bản, phân hữu cơ và các công trình khoa học từ cấp sở trở lên được công nhận tiến bộ kỹ thuật thì không phải khảo nghiệm). Tất cả các loại phân bón được khảo nghiệm phải khảo nghiệm ở những tổ chức có đủ điều kiện.

Thứ ba, về điều kiện sản xuất, so với Nghị định 202 thì Nghị định 108 làm rõ hơn về lĩnh vực chuyên môn được phép sản xuất phân bón. Một số trang thiết bị được quy định trong các phụ lục đều gắn kèm các điều kiện cụ thể. Thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất dược quy định chỉ 5 năm thay vì không có thời hạn như trước đây.

Thứ tư, là vấn đề buôn bán phân bón. Một đại lý muốn được buôn bán phân bón thì phải có đủ các điều kiện nhưng do không có sự quản lý chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng đại lý buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Theo Nghị định mới, đại lý muốn buôn bán phân bón thì phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới.

Thứ năm là quản lý chất lượng phân bón. Về quy định chung, chúng ta phải tuân thủ theo Luật Chất lượng sản phẩm. So với trước, việc kiểm tra nhà nước đối với phân bón nhập khẩu được giao trách nhiệm cho Bộ NN&PTNT quản lý thay vì cơ quan hải quan trước đây. 100% các lô phân bón nhập khẩu phải chịu sự kiểm tra nhà nước tuy nhiên cho phép đưa về kho bảo quản của DN. Cơ quan hải quan sẽ hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật sau khi có kết quả kiểm tra nhà nước. DN được phép sử dụng kết quả kiểm tra nhà nước để làm hợp quy.

Thứ sáu, là về nhãn mác, đặt tên sản phẩm được quy định rất rõ là ngoài quy định theo Nghị định 143 của Chính phủ về nhãn mác, phân bón là mặt hàng đặc thù nên phải thêm vài quy định chung như các nội dung trong quyết định được công bố lưu hành tại Việt Nam.

Một điểm mới vô cùng quan trọng là phân cấp cho địa phương trong Nghị định này. Có khoảng 8 nội dung về quản lý Nhà nước thì đã phân cấp 6 nhiệm vụ cho địa phương. Các Sở NN&PTNT và các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tại địa phương phải thực hiện 6 nhiệm vụ, bao gồm: Một là cấp lại tất cả các giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng gói phân bón. Hai là giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón. Ba là xác nhận quảng cáo theo đúng luật quảng cáo. Bốn là thanh tra, kiểm tra trong địa bàn địa phương quản lý. Năm là chịu trách nhiệm hướng dẫn như tập huấn người nông dân sử dụng phân bón theo nguyên tắc 5 đúng. Cuối cùng, chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, nếu để xảy ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Nghị định 108 có khá nhiều điểm mới, trong đó có điểm quan trọng mà trước đây tranh luận nhiều đó là công tác quản lý phân bón đã được Chính phủ đã giao về một đầu mối là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ góc độ Hiệp hội, ông đánh giá ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này ra sao, thưa ông Nguyễn Đình Hạc Thúy?

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy: Công tác quản lý phân bón luôn được Nhà nước rất quan tâm, đầu tiên giao cho hai bộ quản lý, tuy nhiên hai bộ quản lý có sự trùng lặp khiến thị trường phân bón chưa ổn định.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Phân bón đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép Hiệp hội tổ chức hội thảo lập lại thị trường phân  bón Việt Nam.

Các ý kiến tại hội thảo đã đề nghị nên giao cho một bộ quản lý với cơ sở pháp lý là nếu giao cho bộ nào quản lý mà không giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì phải sửa 2 luật và 3 nghị định. Nếu giao cho bộ nào đó không gắn với mùa màng, không gắn với cây trồng, không gắn liền với mưa nắng của người nông dân thì cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Do vậy chúng tôi thấy giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quản lý phân bón là phù hợp nhất. Trên thế giới chưa có nước nào giao cho Bộ Công Thương quản lý phân bón.  

Thưa ông, Nghị định 108 ra đời trong bối cảnh thị trường phân bón như một “ma trận” có quá nhiều sản phẩm, hàng thật, giả, hàng nhái lẫn lộn gây khó cho bà con nông dân, quan điểm của ông về nhận định này và ông có thể nêu giải pháp cho vấn đề này?

Nguyễn Đình Hạc Thúy: Thị trường phân bón Việt Nam hiện nay là một thị trường “ma trận”. Năm 2016, Hiệp hội có điều tra sơ bộ trên 1.000 đơn vị sản xuất, sau đó có đề nghị làm điểm tại TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một quận với 56 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó có  20 đơn vị không có giấy phép, khởi tố 13 vụ và bắt 13 bị can. Sau đó, Hiệp hội có đề nghị Thủ tướng cho tổng kiểm tra toàn hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón trong toàn quốc. Thủ tướng đồng ý và có chỉ đạo tại Công văn số 6893 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia thực hiện. Trước những vấn nạn trong thị trường phân bón thời gian qua mà không làm chặt thì không giải quyết được.

Ông Hoàng Trung:  Đề xuất của ông Thúy là hết sức cần thiết, đây là lĩnh vực với nhiều công việc đồ sộ, nhạy cảm, đằng sau đó không loại trừ có yếu tố lợi ích nhóm. Đầu tiên, ngoài việc rà soát, kiểm soát chặt chẽ đầu vào, thì tổng rà soát không những ở lĩnh vực sản xuất phân bón mà cả lĩnh vực phân phối lưu thông, cộng thêm là rà soát các phòng kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng phân bón.

Hiện nay, chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể rà soát đánh giá lại các phòng kiểm nghiệm. Hệ thống này phải hoạt động thực sự đúng theo quy định của pháp luật và bảo đảm độ chính xác cao.

Ngoài ra, các vấn đề khác thì thực hiện theo đúng lộ trình của Nghị định 108, phải đồng bộ thực hiện và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên ngành, ví dụ như  với các hiệp hội, Hội Nông dân, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia… để xử lý có hiệu quả.

Quy định về khảo nghiệm phân bón trong Nghị định 108 cũng đang nhận được nhiều ý kiến băn khoăn từ phía doanh nghiệp. Ông có thể nói rõ hơn những loại nào cần khảo nghiệm? Nhiều loại phân bón đã nhập khẩu từ trước đến nay liệu có phải khảo nghiệm lại theo Nghị định mới không, thưa ông Hoàng Trung?

Ông Hoàng Trung : Các loại phân bón không phải khảo nghiệm gồm: Phân bón đơn cơ bản (như đạm, lân, kali); phân bón phức hợp (như DAP); các loại phân bón hữu cơ nhưng không bổ sung thêm chất khoáng, chất vi sinh; các loại phân bón đã được đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh công nhận về tiến bộ khoa học.  

Khi xây dựng Nghị định 108, quan điểm là không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, những sản phẩm nào đã tuân thủ theo quy định trước đây thì giữ nguyên. Do vậy 14.174 sản phẩm đang nằm trong danh mục nghiễm nhiên được cơ quan quản lý Nhà nước mà hiện nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xem xét đánh giá lại, không phải khảo nghiệm. Theo Điều 47 của Nghị định quy định sẽ tự động công nhận lại và nếu có vấn đề gì chưa bảo đảm, chưa đáp ứng được, Cục Bảo vệ thực vật sẽ trao đổi với các doanh nghiệp công nhận lại, thủ tục sẽ đơn giản.

Đối với các thủ tục phải hoàn thành có tốn nhiều chi phí và mất nhiều thời gian không, thưa ông Trung?

Ông Hoàng Trung: Thứ nhất đối với tập huấn khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức. Thứ hai, phí khảo nghiệm, Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng cơ chế giá cho những ai tham gia vào hệ thống này, có thể doanh nghiệp làm, có thể viện, trường làm.

Về khảo nghiệm, đã là khâu kỹ thuật thì phải chặt chẽ, thời gian là 2 năm, vì quy định ghi rõ khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng. Có nhiều ý kiến cho là làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp nhưng chúng tôi cho rằng đây là khâu kỹ thuật, các nước trên thế giới cũng làm và làm lâu hơn.

Khi sản phẩm đã thừa gấp 3 lần và muốn siết chặt đầu vào thì  đây là khâu tiến tới chúng ta chỉ cho phép các loại phân bón có đặc tính nổi trội mới đưa vào lưu hành.

Thưa ông Hạc Thúy, Nghị định 108 ra đời với nhiều kỳ vọng, về góc độ của Hiệp hội ông chia sẻ thế nào? Theo ông Nghị định mới đã đủ chế tài xử lý các vụ việc như vụ phân bón giả Thuận Phong hay không?

Nguyễn Đình Hạc Thúy: Nghị định 108 ra đời là một công cụ quy định cho tất cả tổ chức, cá nhân tuân thủ. Nghị định không phải là “vũ khí” đầu tiên dẹp được phân bón giả. Đối với vụ Thuận Phong, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 374/TB-VPCP ngày 16/11/2016 về việc xử lý hình sự hành vi sản xuất phân bón giả, nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển. Tôi cho rằng vụ Thuận Phong có dấu hiệu nổi bật của lợi ích nhóm.

Trong quản lý phân bón thì hệ thống trung tâm khảo nghiệm, kiểm định rất quan trọng, là hàng rào kỹ thuật pháp lý, quyết định công bằng, minh bạch đối với người nông dân, đối với nhà sản xuất, với quản lý nhà nước.

Vụ việc 11 trung tâm cấp khống cho trên 400 công ty và trên 2.000 sản phẩm không có giá trị là vi phạm rất nghiêm trọng. Mặc dù cơ quan chức năng đã khởi tố một số nhưng việc quy trách nhiệm vẫn chưa hết. Trong khi các trung tâm này sai từ khâu lấy mẫu, lưu mẫu, phân tích mẫu và cấp giấy phép, thậm chí  không cần lấy mẫu vẫn được cấp giấy phép. Tôi cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo Bộ NN&PTNT kiên quyết làm rõ trách nhiệm 11 trung tâm này, nếu không sẽ không công bằng về mặt pháp lý khi triển khai Nghị định 108.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, xin ông Trung cho biết ý kiến về vấn đề trên?

Hoàng Trung: Tôi xin nhấn mạnh lại, muốn ngăn chặn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, trước hết  các vụ việc xảy ra kéo dài như vừa qua phải làm dứt điểm, nếu không làm dứt điểm sẽ tạo thành tiền lệ rất xấu sau này và kỷ cương phép nước không được thực hiện.

Thứ hai, với hệ thống các phòng kiểm nghiệm chúng tôi nhận bàn giao từ Bộ Công Thương sang, như tôi nói ở trên, việc đầu tiên Bộ sẽ kiểm tra, rà soát tổng thể 41 phòng kiểm nghiệm. Rà soát xem các phòng có thực thi theo đúng Nghị định 107/CP và các quy định khác của pháp luật không. Muốn kiểm tra tốt thì năng lực của tất cả các phòng kiểm nghiệm phải tốt. Tiếp theo là phải kiểm tra đánh giá và nâng cao năng lực của các phòng kiểm nghiệm, việc này chúng tôi sẽ thực thi ngay trong thời gian tới.

Với vụ việc 11 tổ chức chứng nhận như ông Thúy vừa nêu cũng là sự việc kéo dài đã lâu. Hiện nay, tất cả 11 tổ chức này chưa được tham gia vào bất cứ các hoạt động thử nghiệm, kiểm nghiệm, giám định nào trong hệ thống.

Khó khăn trước mắt trong triển khai Nghị định 108 là gì thưa ông Hoàng Trung?

Ông Hoàng Trung: Trước hết về thuận lợi là chúng ta đã có hành lang pháp lý mới, sự quyết tâm từ Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, có sự phối hợp rất chặt chẽ và quyết tâm từ các cơ quan chức năng, hiệp hội để lập lại trật tự ngành phân bón.

Về khó khăn, đây là lĩnh vực rất phức tạp, rất nhạy cảm; số loại sản phẩm phân bón đồ sộ, số lượng nhà máy nhiều vô kể và hiện nay tình trạng phân bón thật, phân bón giả đang hiện hữu. Vừa rồi, chúng tôi cũng tiếp nhận 5 trường hợp doanh nghiệp vi phạm.

Thứ hai là ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp. Hiện nay, các cơ sở pháp lý, các chế tài để tuân thủ Nghị định 108 cũng như bảo đảm sức răn đe đối với các vi phạm mới đang được tiếp tục hoàn thiên. Chúng tôi đang gấp rút xây dựng các quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phân bón với các chế tài cao hơn. Tôi hy vọng trong khoảng 1 tháng tới, Chính phủ và các bộ sẽ cố gắng thực hiện việc này.

Bên cạnh đó, trong cả một thời gian dài vừa qua, tất cả các doanh nghiệp đang làm theo quy định cũ, một quy định rất mở, doanh nghiệp đang được nới lỏng tự dưng bị siết chặt lại thì dễ tạo nên sự phản ứng.

Như ông Trung chia sẻ về phía doanh nghiệp họ sẽ có phản ứng, ông nghĩ như thế nào về sự phản ứng đó, thưa ông Hạc Thúy?

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy: Thường thì Nghị định sau phải chặt chẽ hơn Nghị định trước. Sắp tới đây, chế tài phạt cao, nếu như những người thi hành công vụ còn bao che thì không thể thực hiện được. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tổ chức lại khâu cung, vì bây giờ có quá nhiều cơ quan cung cấp nên tạo cơ hội cho trung gian lừa đảo. Trong Nghị định 108 có một quy định mới đó là phân cấp cho các địa phương chịu trách nhiệm về việc sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đây là quyết định rất cơ bản, cả hệ thống chính trị phải cùng tham gia mới có thể tránh được tình trạng lừa đảo, vi phạm về phân bón.

Thưa ông Hoàng Trung, các chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực quản lý phân bón sẽ được tăng cường thế nào để bảo đảm tính răn đe?  

Ông Hoàng Trung: Dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón được xây dựng dựa trên quan điểm là các chế tài đưa ra phải bao trùm hết các hành vi và sức răn đe, muốn như vậy thì mức xử phạt bằng tiền được đề xuất tăng gấp 7 lần so với hiện nay. Đồng thời bổ sung thêm nhiều hình thức xử lý khác ví dụ như: Thu hồi, tước quyền sử dụng các loại giấy chứng nhận với thời gian từ 12 tháng đến 24 tháng, thậm chí rút giấy phép vĩnh viễn, đóng cửa nhà máy trong thời hạn nào đó nếu vi phạm và không có biện pháp khắc phục …  Với các vi phạm khác về phân bón kém chất lượng, phân bón giả đối với nhập khẩu thì áp dụng biện pháp tái xuất hoặc tiêu hủy, đối với sản xuất trong nước phải tiêu hủy không cho tái chế, không cho chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác. Chúng tôi cũng đang phối hợp xây dựng các cơ sở pháp lý, đặc biệt là các tiêu chuẩn để tiêu hủy phân bón vì hiện nay chúng ta còn lúng túng trong xử lý tiêu hủy khi phát hiện các vụ vi phạm với số lượng lớn. Hiện nay về công nghệ chúng ta đủ khả năng tiêu hủy phân bón vi phạm thay vì chủ yếu là chon lấp như trước đây. Nói tóm lại việc xử phạt vi phạm phải đủ sức răn đe, phòng ngừa tái phạm trong lĩnh vực phân bón. 

Nghị định 108 quy định là người kinh doanh phân bón phải có chứng chỉ chuyên môn nhất định, đây là quy định rất cần thiết, nhưng liệu có khả thi không thưa ông? 

Ông Hoàng Trung: Điều này là khả thi và chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được vì Cục Bảo vệ thực vật có một hệ thống 63 chi cục và các trạm rất mạnh trong cả nước. Hệ thống này đang quản lý chặt chẽ nắm rõ từng cơ sở trong tổng số trên 30.000 đại lý, cửa hàng bán vật tư, thuốc bảo vệ thực vật trong toàn quốc.  Trong khi thực tế thì hầu như các cơ sở này đều kinh doanh phân bón.

Để giải quyết vấn nạn của thị trường phân bón hiện nay, bên cạnh các giải pháp về tăng cường quản lý thì về lâu dài cần một định hướng chiến lược phát triển phân bón hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ, xin được biết quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy:  Chương trình Liên Hợp Quốc về phát triển nông nghiệp bền vững đã nhấn mạnh xu thế của thế kỷ 21 là xu thế của nền nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở phát triển phân bón hữu cơ. Hiện Việt Nam được xếp thứ 51/179 quốc gia có tiềm năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam nhìn chung còn chậm so với tiềm năng. Nông nghiệp hữu cơ có lợi là không gây ô nhiễm môi trường, không làm chai sạn đất, không gây mất chuyển đổi lý hóa của đất, tăng lượng mùn, vi sinh vật, cây trồng tốt hơn và sản phẩm nông nghiệp ngon hơn.

Tuy nhiên do chúng ta chậm triền khai nên thực tế thời gian qua đã có tình trạng một số nông sản của Việt Nam xuất khẩu bị trả lại vì không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu. Một ví dụ điển hình như gạo của Việt Nam xuất khẩu hàng chục năm rồi nhưng chất lượng chưa được thế giới biết đến, trong khi đó, dù đi sau nhưng gạo Lài của Campuchia nổi tiếng ngon, xuất khẩu mạnh do bạn thực hiện quy trình phân bón hữu cơ rất nghiêm túc, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, vừa qua chúng tôi đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo về chiến lược phát triển phân bón hữu cơ. Tầm quan trọng và xu hướng phát triển phân bón hữu cơ là tất yếu, điều mà chúng ta cần hiện nay là phải quyết liệt triển khai trên thực tế, nói đi đôi với làm để phát triển thành công nền nông nghiệp hữu cơ.

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thừa nhận bất cập lớn nhất trong sử dụng phân bón ở Việt Nam là hơn 90% sử dụng phân bón vô cơ (9 -10 triệu tấn), trong khi chỉ có 1 triệu tấn phân bón hữu cơ được sử dụng. Vậy định hướng công tác quản lý phân bón trong thời gian tới sẽ khắc phục bất cập lớn này thế nào thưa ông?

Ông Hoàng Trung: Phát triển nông nghiệp hữu cơ là tất yếu và để bắt kịp xu thế này của thế giới. Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Dự thảo Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sẽ sớm trình ban hành từ nay đến cuối năm. Trong Dự thảo này, Bộ đề xuất nhiều quy định về đánh giá, chứng nhận các cơ sở sản nông nghiệp hữu cơ đi kèm với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ rất cụ thể của Nhà nước. Ngay trong Nghị định 108 về quản lý phân bón mới ban hành, các quy định đã được thể hiện rất rõ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho phân bón hữu cơ phát triển. 

Cùng với việc hoàn thiện về hành lang pháp lý thì với việc có nhiều lợi thế để phát triển phân bón hữu cơ như hàng năm chúng ta có 40 triệu tấn rơm, rạ, cộng với 25 triện tấn phân chuồng, cùng với rất nhiều phụ phẩm khác như cám, bã thủy sản …thì chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất từ 5 đến 7 triệu tấn phân hữu cơ mỗi năm phục vụ nhu cầu sản xuất.

Chúng ta phải xây dựng chiến lược rất cụ thể để đến năm 2021 có thể đưa ra một công thức là cứ sử dụng 1kg phân vô cơ thì phải sử dụng ít nhất 3 kg phân hữu cơ. Như vậy mới giải được bài toán định hướng chiến lược phát triển phân bón hữu cơ phục vụ nền nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững. 

Cổng TTĐT Chính phủ