Theo ý kiến của cử tri tỉnh Đắk Lắk, TPHCM, hiện còn nhiều trường hợp thuộc diện được hưởng chế độ, chính sách như người làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào; các trường hợp bị địch bắt tù đày, quân nhân tham gia kháng chiến, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến... nhưng chưa được được hưởng chế độ do không còn giấy tờ gốc, đơn vị cũ đã giải tán, thủ trưởng đơn vị cũ cũng không còn, mà tuổi lại cao.
Cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm, có hướng giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng này.
Ngoài ra, đối với tình trạng hồ sơ giả, khai man hồ sơ để hưởng chính sách người có công, cử tri đề nghị Bộ tiếp tục có hướng giải quyết những bất cập trong quá trình giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, rà soát, kiểm tra hồ sơ tại các địa phương, đình chỉ kịp thời đối với các hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chính sách người có công.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri như sau:
Đối với nội dung giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công không còn giấy tờ gốc: Trong thời gian vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và năm 2016 đã đột phá trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc.
Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, gồm 7 bước và quy định chặt chẽ hơn so với Kế hoạch triển khai thí điểm, quy định về hồ sơ tồn đọng cụ thể hơn; các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch thực hiện, Tổ công tác Trung ương cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng, với mục tiêu hết năm 2017 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên.
Với sự vào cuộc quyết tâm của Tổ công tác Trung ương, Ban chỉ đạo tại các địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng, tính đến ngày 31/12/2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với với 1.250 liệt sĩ.
Trên cơ sở kết quả thực hiện việc giải quyết hồ sơ tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện phương thức giải quyết: Giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường công khai minh bạch, chống man khai hồ sơ, trục lợi chính sách, từng bước nghiên cứu, mở rộng việc xác nhận hồ sơ tồn đọng đối với các đối tượng khác. Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách theo hướng sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với nội dung cử tri phản ánh về những bất cập trong quá trình giải quyết chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng; rà soát, kiểm tra hồ sơ ở các địa phương, đình chỉ kịp thời đối với các hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chính sách người có công.
Hàng năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, tổng hợp những vướng mắc của địa phương khi triển khai thực hiện chính sách trong toàn quốc nhằm phát hiện những điểm bất cập, chưa hợp lý trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời Bộ cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện chính sách đúng quy định.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại các địa phương để kịp thời phát hiện sai phạm nhằm uốn nắn, chấn chỉnh trong việc thực hiện chính sách và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, cụ thể: Từ năm 2014 đến tháng 12/2017, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công tại 14 tỉnh, thành phố; phối hợp với Bộ Quốc phòng thanh tra việc xác lập hồ sơ thương binh tại 7 Quân Khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Qua thanh tra, đã tiến hành kiểm tra 88.218 hồ sơ (trong đó: 71.515 hồ sơ thương binh, 16.703 hồ sơ chất độc hóa học), phát hiện 18.445 hồ sơ sai sót hoặc có nghi vấn sai sót đang tiến hành xác minh bổ sung hoặc trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự giấy tờ gốc (đã kiến nghị đình chỉ trợ cấp đối với hơn 2.000 đối tượng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 160 tỷ đồng và giảm chi hàng năm trên 35 tỷ đồng; chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra).
Trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ động trong việc thanh tra, kiểm tra, rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công tại địa phương để không để xảy ra sai sót trong việc triển khai thực hiện chính sách. Nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chinhphu.vn