Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phát biểu giải trình trước Quốc hội vào chiều 2/6 về những nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.
Giải trình một số nội dung đại biểu hỏi về lập dự toán ngân sách, đặc biệt là dự toán thu ngân sách không sát với thực tế, theo Bộ trưởng, vì niên độ tài khóa của chúng ta đến ngày 31/12 dương lịch, như vậy, khi chúng ta lập dự toán theo Luật Ngân sách là khoảng tháng 9 và tháng 10, có nghĩa khoảng 4 tháng nữa mới hết năm ngân sách, "nên ước thực hiện nhiều lúc chưa sát thì chúng tôi cũng sẽ khắc phục vấn đề này".
Vấn đề thứ hai liên quan đến chi cho giáo dục, đào tạo. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong những năm qua, việc chi cho giáo dục, đào tạo đảm bảo theo yêu cầu của Luật Giáo dục, tức là trên 20%, ý kiến của đại biểu Quốc hội thống kê chưa cộng đầu tư xây dựng cơ bản.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng giải trình nội dung về vấn đề dự phòng ngân sách là 1.150 tỷ đồng được chi vào đầu tư xây dựng cơ bản, mà chi vào đầu tư phát triển rất tốt. "Chúng ta tiết kiệm được dự phòng. Dự phòng này dùng chi cho an ninh, quốc phòng, thiên tai, lũ lụt, cho cả thảm họa, nhưng đã tiết kiệm được và chi vào đầu tư xây dựng cơ bản", ông Hồ Đức Phớc cho biết.
"Đầu tư công của chúng ta gồm có các loại: Theo kế hoạch giao từ đầu năm và nguồn vượt thu ngân sách. Vượt thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội. Còn dự phòng ngân sách đã được Quốc hội giao là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, mà Thủ tướng đã bổ sung cho hơn 30 tỉnh đầu tư công trình xây dựng cơ bản thuộc lũ lụt. Như vậy, đến hết niên độ ngân sách thì được kéo dài theo Luật Đầu tư công, chúng ta sẽ quyết toán 850.236 tỷ đồng, số còn lại là 291,9 tỷ đồng sẽ quyết toán vào năm 2021", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình là sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật PPP và Luật Đất đai. Hiện nay trong thực tiễn còn rất "mắc".
Ví dụ, như Luật Ngân sách, không dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác. Khi chúng ta triển khai các công trình đường cao tốc hay các công trình liên vùng mà ngân sách của các tỉnh có điều kiện muốn bỏ ra để giải phóng mặt bằng thì mắc điều luật này, phải xin ý kiến của Quốc hội.
"Hay tách đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, tôi nghĩ việc này rất tốt, bởi vì quá trình đầu tư của chúng ta gồm 3 giai đoạn: Chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quyết toán công trình. Vấn đề chuẩn bị đầu tư kéo dài nhất, bởi vì chuẩn bị đầu tư liên quan đến vốn đầu tư. Trong Luật Đầu tư công, việc bố trí vốn đầu tư thì rất vướng mắc. Không có bố trí chuẩn bị đầu tư thì không có dự án. Không có dự án thì theo quy định đến ngày 1/10 không có dự án thì không được đưa vào kế hoạch", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải thích.
Về đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án xong, thiết kế kỹ thuật xong, dự toán xong, đấu thầu xong mới đền bù giải phóng mặt bằng thì 1 năm sau mới triển khai được dự án. "Cho nên, tôi nghĩ không chỉ công trình đặc biệt nhóm A, nhóm B, mà kể cả nhóm C đều tách giải phóng mặt bằng ra. Chúng ta chuẩn bị giải phóng mặt bằng được thì mới nhanh. Bởi vì, khi có quy hoạch 1/500 được phê duyệt hay có phóng tuyến chúng ta có thể đóng mốc để trích lục địa chính và giải phóng mặt bằng, thu hồi đất được rồi, sẽ nhanh hơn, vấn đề đưa công trình bàn giao sử dụng sẽ nhanh hơn", Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ý kiến.
Về vấn đề định mức kinh tế kỹ thuật như các đại biểu Quốc hội có ý kiến, chẳng hạn sử dụng ô tô, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng để sửa đổi Nghị định 04 về định mức ô tô. Lúc đó định mức ô tô sẽ căn cứ vào đơn vị hành chính, căn cứ vào diện tích, địa hình.
Vấn đề về quản lý, điều hành, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, trong chi thường xuyên đã rất tiết kiệm: "Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, như năm 2021 chúng tôi tiết kiệm 10% chi thường xuyên và 50% tiền tiếp khách, tiền đi công tác và công tác nước ngoài được hơn 14.000 tỷ đồng, đã được bỏ vào để mua vaccine và chống dịch. Hết năm ngân sách 2021, chúng ta đang có được 16.000 tỷ đồng để chuyển nguồn sang năm 2022, cộng với dự toán ngân sách 10.000 tỷ đồng nữa là chúng ta có 26.000 tỷ đồng sẵn sàng cho phòng, chống dịch".
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, sẽ tập trung tham mưu Chính phủ và tăng cường thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt việc quản lý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách tốt nhất.
Hải Liên