In bài viết

Tăng cường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa có Chỉ thị số 16/CT-BCT về một số giải pháp tăng cường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm 2015.

21/10/2015 16:00
Ảnh minh họa

Nhằm góp phần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về xuất nhập khẩu Quốc hội đã thông qua cho năm 2015 là tăng trưởng xuất khẩu 10% và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Kế hoạch, các Cục, Vụ quản lý sản xuất phối với cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu.

Cục Quản lý cạnh tranh, các Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài rà soát, đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại các nước hiện đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, như Indonesia, Thái Lan và Malaysia áp thuế chống bán phá giá đối với thép, tôn lạnh của Việt Nam.

Phát triển thị trường xuất khẩu

Các Vụ Thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các cơ quan quản lý của nước sở tại, các Thương vụ, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam để thức đẩy đàm phán, ký kết thỏa thuận về thương mại, các thỏa thuận có liên quan giúp mở cửa thị trường cho các chủng loại trái cây, rau quả có thế mạnh của Việt nam như thanh long ruột đỏ vào Nhật Bản, vú sửa vào Hàn Quốc, chôm chôm vào Niu Di-lân, xoài và thanh long vào Úc...

Vụ Thị trường châu Âu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản sang thị trường Liên bang Nga, đẩy mạnh hợp tác, quan hệ thương mại với vùng Viễn Đông của Liên bang Nga.

Sử dụng hàng nội địa thay thế nhập khẩu

Cục Quản lý cạnh tranh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Việt Nam về các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trước hành vi thương mại không công bằng của các nhà xuất khẩu nước ngoài hoặc đối phó với việc hàng hóa nhập khẩu tăng nhanh, đột biến nhằm kiểm soát nhập khẩu; tăng cường công tác tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện tốt công tác kháng kiện các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài để bảo vệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu phù hợp các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, nhất là các mặt hàng trọng điểm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm như: thuốc lá, xăng dầu, gas, phân bón vô cơ...

Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến việc tận dụng các FTA; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020.

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 của Việt Nam ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức tăng trưởng tiệm cận chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu được Quốc hội thông qua là 10%. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 124,56 tỷ USD, tăng 15,9%. Nhập siêu được kiểm soát, ở mức 3,86 tỷ USD, bằng khoảng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản chịu sức ép cạnh tranh trong khi dầu thô và các mặt hàng nhiên liệu, khoáng sản khác giảm giá và vẫn duy trì ở mức giá thấp.

Dự báo trong 3 tháng cuối năm, xuất khẩu có những cơ hội thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng nhờ sự tăng trưởng ổn định của kinh tế trong nước, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng tín dụng đạt khá và việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian qua đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Minh Hoàng