Trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ, quy mô nông hộ giảm 15-20%. Trong khi đó, doanh nghiệp chăn nuôi FDI đang chiếm tỷ lệ áp đảo.
Đó là con số được Cục Chăn nuôi thông tin tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội hôm nay (14/8).
Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, đến cuối năm 2023, tổng đàn lợn cả nước đạt 25,5 triệu con (chưa tính khoảng 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023 là năm có số đầu con lợn cao nhất trong 5 năm trở lại đây và tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình là 6,0%/năm trong giai đoạn 2019 - 2023.
Tổng đàn lợn đến thời điểm cuối tháng 6/2024 ước tính đạt 25.549,2 nghìn con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023 (theo Tổng cục Thống kê). Trong đó, đàn lợn vùng Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, tăng 16,5%.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá nguyên nhân là do có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn vào khu vực này trong năm 2023. Tiếp đến là khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, tăng 3,1%; vùng Đông Nam Bộ tăng 3,0%; Đồng bằng sông Hồng tăng 2,8%; Trung du miền núi phía Bắc tăng 1,9%; chỉ có vùng ĐBSCL giảm 1,3%.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, ngành này đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm. Riêng giai đoạn 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng khẳng định chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với dụ lịch.
Hiện nay các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và nước ngoài (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Emivest, Cargill...) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành này.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của ngành chăn nuôi lợn cũng được thể hiện rõ rệt ở cơ cấu đàn lợn nái. Theo đó, trong tổng số 3,12 triệu con nái năm 2023 thì đàn lợn nái của các doanh nghiệp, công ty là 1,21 triệu con, chiếm 38,8% tổng đàn lợn nái cả nước. Đàn lợn nái trong nông hộ chiếm 1,91 triệu con, chiếm tỷ lệ 61,2% tổng đàn lợn nái cả nước.
Nhưng do hiệu suất sinh sản của đàn nái trong khu vực công ty cao và điều kiện chuồng nuôi tốt hơn nên khu vực này đóng góp 47% tổng lượng lợn thịt xuất chuồng năm 2022.
Cục Chăn nuôi nhận định, xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết HTX, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc), trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Vì vậy, số hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần theo từng năm do không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, dịch bệnh "nóng" nhất thời gian qua là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 863 ổ dịch trên 46/63 tỉnh thành, tiêu huỷ hơn 57.400 con lợn, cao hơn tổng số lợn phải tiêu huỷ vì dịch bệnh này của năm ngoái (44.390 con).
So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 3,02 lần và số lợn bị chết, tiêu hủy tăng 3,87 lần. "Khó khăn hiện nay là nhiều nơi không có cán bộ thú y xã, dẫn đến không phát hiện dịch bệnh kịp thời. Cũng do thiếu cán bộ thú y nên công tác phòng chống dịch bệnh nảy sinh nhiều bất cập, khi phát hiện ổ dịch thì phản ứng với ổ dịch cũng chậm trễ", ông Minh nói.
Theo Cục Thú y, thực tế dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học. Mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi, nhưng các địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức tiêm phòng rộng rãi cho đàn lợn thịt; một số địa phương còn chủ quan, lơ là, buông lỏng công tác phòng chống dịch bệnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Trong rổ thực phẩm, thịt lợn đang chiếm 65% chỉ số CPI. Hiện, giá thị lợn đang ở mức khá cao đã đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi và doanh nghiệp sau một thời gian bị thua lỗ".
Do đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi phải vừa đảm bảo tăng trưởng, nguồn cung thực phẩm, đảm bảo người chăn nuôi có lãi song cũng cần sớm có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để chỉ số CPI tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Đỗ Hương