In bài viết

Tăng diện tích rừng có chứng chỉ giúp xuất khẩu lâm sản bền vững

(Chinhphu.vn) - Hiện nay Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản, gỗ. Để đưa nhiều sản phẩm vào các thị trường khó tính, đòi hỏi cần các chứng chỉ rừng bền vững. Qua đó giúp gia tăng giá trị sản phẩm lâm sản, tăng thu nhập cho người trồng rừng.

13/12/2023 19:07
Tăng diện tích rừng có chứng chỉ giúp xuất khẩu lâm sản bền vững- Ảnh 1.

Trồng rừng gỗ lớn tại Quảng Ninh

Câu chuyện từ trồng rừng có chứng chỉ tại Quảng Trị

Quảng Trị là một trong những địa phương đạt được nhiều thành tựu trong phát triển rừng gỗ lớn, liên kết trồng rừng. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trong tổng số 23.400 ha rừng trồng gỗ lớn FSC mà Quảng Trị đang có tập trung chủ yếu ở các công ty lâm nghiệp gồm: Bến Hải, Triệu Hải và Đường 9 với khoảng trên 17.000 ha, diện tích còn lại ở các hộ dân và hợp tác xã.

Quảng Trị cũng là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận quốc tế FSC đối với rừng tự nhiên. Theo đó, 2.145ha rừng tự nhiên của 5 thôn tại các xã: Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Linh của huyện Hướng Hóa được cấp chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về lưu trữ và hấp thụ carbon vào tháng 10/2022 với trữ lượng lưu trữ tại các diện tích rừng này khoảng 350.000 tấn CO2 và lượng hấp thụ hàng năm khoảng 7.000 tấn CO2. Kết quả này mang đến cơ hội cho các chủ rừng cộng đồng trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ và chi trả tự nguyện cho dịch vụ hệ sinh thái do Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế FSC khởi xướng trên toàn cầu.

Cũng theo ông Đồng, kết quả này đã có tác động đến việc thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quảng Trị, thúc đẩy tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu giai đoạn 2023-2026, định hướng đến 2030, với mục tiêu sản xuất khoảng 4.000 tấn hạt trẩu, tương đương trị giá thương mại khoảng 50 tỷ đồng/năm cho nông dân khu vực miền núi.

Với diện tích rừng trồng gỗ keo và rừng tự nhiên được cấp chứng nhận quản lý bền vững FSC nói trên đã tạo điều kiện cho hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia cung ứng cho thị trường nguyên liệu có chứng nhận FSC gồm gỗ keo và các lâm sản ngoài gỗ như tre nguyên liệu, hạt trẩu, bồ kết và măng khô.

Lâm sản ngoài gỗ là khoảng 30.000 tấn tre nguyên liệu có chứng nhận FSC nằm trong diện tích rừng ở trên giúp Quảng Trị có cơ hội tạo vùng nguyên liệu để sản xuất khoảng 10.000 tấn than tre sinh học/năm, tạo ra giá trị thương mại lớn cho nông dân, đóng góp hấp thụ lâu dài 20.000 tấn Co2 hằng năm dưới hình thức than sinh học.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng của khu vực miền Trung.

Để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2022 -2025 tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC trên địa bàn 5 huyện gồm: Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh với khoảng 5.000 ha. Qua đó nâng diện tích rừng loại này lên khoảng 28.000 ha, đến năm 2030 phấn đấu đạt 30.000 ha. Để phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn cần có thêm chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo động lực để nhiều hộ dân tham gia.

Với mục tiêu hình thành vùng kinh doanh rừng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng, gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Đề án Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030.

Chính sách tạo động lực trồng rừng gỗ lớn

Hiện nay Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản, gỗ. Để đưa nhiều sản phẩm vào các thị trường khó tính đòi hỏi cần các chứng chỉ rừng bền vững. Qua đó giúp gia tăng giá trị sản phẩm lâm sản, tăng thu nhập cho người trồng rừng.

Ông Trần Lâm Đồng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, năm 2017, khi Luật Lâm nghiệp ban hành, diện tích rừng có chứng chỉ còn khiệm tốn, đạt khoảng 250.000 ha. Để thúc đẩy thực hiện, năm 2018 Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, trong đó giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS).

Hệ thống VFCS được xây dựng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC, được PEFC công nhận, cho phép sử dụng nhãn mác và vận hành từ 2019. Đến nay cả nước đã có khoảng 435.000 ha rừng được cấp chứng chỉ, trong đó có 150.000 ha chứng chỉ rừng VFCS/PEFC.

Ông Vũ Thành Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng như hỗ trợ 8 triệu/ha để bà con trồng rừng gỗ lớn; những đề án, chương trình phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiệu quả.

Đặc biệt là 2 chính sách lớn. Thứ nhất là Nghị định 98 năm 2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển liên kết, hợp tác liên kết trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ.

Theo đó, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ có 7 hình thức liên kết: Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiêp; Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Thứ 2 là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hiện Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ ban hành một số chính sách, trong đó có chính sách cho người vay trồng rừng gỗ lớn.

Bộ NN&PTNT đang trong quá trình hoàn thiện cuối cùng để ban hành đề án riêng về trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2023-2030, trong đó có các cơ chế, chính sách về hợp tác, liên kết, phấn đầu cuối năm 2030 chúng ta có 1 triệu ha rừng gỗ lớn.

Đỗ Hương