Bộ Tư pháp cho biết, sau 4 năm triển khai thực hiện, Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg đã tạo cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tiến hành việc củng cố, kiện toàn; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Sau khi được kiện toàn, Hội đồng Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, nhất là trong tư vấn, tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); xây dựng, ban hành và kiểm tra, đôn đốc chương trình, kế hoạch trung hạn, dài hạn về PBGDPL; xác định nội dung trọng tâm cần phổ biến, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và từng địa phương hằng năm, từng thời kỳ, gắn với xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và cải cách thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng cũng như kết quả triển khai thực hiện công tác PBGDPL.
Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đã đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 1 Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg theo hướng đưa 1 Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ ủy viên Hội đồng lên làm Phó Chủ tịch Hội đồng cho phù hợp với vị trí của công tác PBGDPL tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bổ sung đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong cơ cấu của Chính phủ hiện chưa là ủy viên Hội đồng vào cơ cấu ủy viên Hội đồng, bảo đảm đại diện tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ đều có đại diện tham gia Hội đồng Trung ương; mời đại diện Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao làm ủy viên Hội đồng Trung ương.
Sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 1 Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg theo hướng bổ sung lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND; Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân làm ủy viên Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện đều có đạo diện lãnh đạo tham gia làm ủy viên Hội đồng.
Theo Bộ Tư pháp, việc sửa đổi, bổ sung này là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 khi xác định rõ hơn trách nhiệm của tập thể Chính phủ, UBND các cấp với trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác giáo dục pháp luật trong các cơ sở dạy nghề theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2016 của Chính phủ (đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường sư phạm). Việc bổ sung mời đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia Ủy viên Hội đồng Trung ương, đại diện Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tham gia Hội đồng cùng cấp là để phát huy hơn nữa vai trò của công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trong hoạt động PBGDPL.
Thực tiễn cho thấy, qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã có tác dụng rất tích cực đến việc nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, các tranh chấp xảy ra trong cộng đồng dân cư. Vừa qua, thực hiện Luật PBGDPL, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án các cấp đã tích cực tham gia PBGDPL, mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, vì vậy, cần bổ sung đại diện các cơ quan này làm ủy viên Hội đồng để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn ngành.
Sửa đổi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng
Để khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Trung ương tại điểm e khoản 1 Điều 2 Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg với điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL, dự thảo Quyết định đề xuất bãi bỏ điểm e khoản 1 Điều 2 Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg, theo đó không quy định trách nhiệm của Hội đồng Trung ương trong hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hằng năm do nhiệm vụ này Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp thực hiện theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ.
Dự thảo Quyết định cũng đề xuất bổ sung trách nhiệm của ủy viên Hội đồng tại khoản 1, Điều 5 theo hướng: Trong trường hợp không thể tham dự các phiên họp Hội đồng vì lý do chính đáng, ủy viên Hội đồng có trách nhiệm gửi ý kiến về cơ quan thường trực Hội đồng để tổng hợp, báo cáo Hội đồng. Ủy viên Hội đồng có trách nhiệm tư vấn, tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan, tổ chức mà mình là đại diện chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang và trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; hàng năm tổng hợp kết quả, báo cáo Hội đồng và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập phát sinh từ công tác PBGDPL chuyên ngành.
Quy định này nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của ủy viên Hội đồng, nhất là làm rõ về mối quan hệ giữa ủy viên Hội đồng với trách nhiệm tham mưu, giúp Thủ trưởng Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong công tác PBGDPL, nhất là PBGDPL chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý và PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.