Sinh viên Khoa Dược trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học thực hành. Ảnh: ntt.edu.vn |
Bắt đầu từ ngày 1/12/2015, theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, mức trần học phí ĐH của các trường ĐH sẽ tăng khoảng 10% theo từng khối ngành, chuyên ngành đào tạo, tương đương 600.000-1.000.000 triệu đồng/năm.
Nghị định cũng bổ sung mức trần học phí của trường đại học được chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (trường tự chủ tài chính).Học phí tăng sẽ bù đắp vào chi phí đào tạo của trường.
Gặp và trao đổi với một số sinh viên đang theo tại các trường đại học và phụ huynh của các em trước thông tin có ảnh hưởng trực tiếp đến họ, chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến khác nhau về câu chuyện học phí.
Chị Đỗ Thanh Vân (ngụ Phường Tân Phong Quận 7, TPHCM) có em đang học tại trường Đại học Kinh tế TPHCM nhận xét về nghị định: “Tăng 10% thì không phải là mức cao, nó vẫn nằm trong khả năng của phụ huynh. Tôi chỉ lo là lượng tăng mà chất không tăng, có thể cơ sở vật chất sẽ tốt hơn, học sinh sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhưng chất lượng trong giảng dạy không tăng. Nếu tăng học phí mà mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn cho em tôi thì tôi không ngại.”
Con trai của Chị Nguyễn Thị Ngọc Lý (ngụ Khu phố Ngãi Thắng, Phường Bình Thắng, TX Dĩ An, Tỉnh Bình Dương) vừa trở thành sinh viên trường ĐH Thủ Dâu Một, khi nghe thông tin học phí của con có thể tăng 10% chị tỏ ra lo lắng nhưng đầy hy vọng: “Cho con đi học rồi thì học phí tăng mình cũng phải ráng, giờ khoản này tăng thì mình phải giảm lại những khoản khác trong gia đình để cân đối. Hai chị của nó trước đây học đại học học phí cũng không quá cao nên tôi nghĩ đến cháu tăng 10% cũng sẽ không cao hơn bao nhiêu. Tôi mong khi tăng học phí con tôi sẽ được học tốt hơn, cơ sở vật chất đầy đủ hơn. Nhiều khi tăng học phí như vậy nhưng sẽ giảm bớt các khoản phát sinh khác trong thời gian học thì cũng tốt.”
Phụ huynh của em Lê Tuyết Nhung sinh viên năm 2 trường ĐH Sư Phạm TPHCM cũng chia sẻ về nỗi lo chung của nhiều gia đình: “Gia đình có điều kiện thì 10% không sao, gia đình khó khăn thì đó là 1 con số không nhỏ. Ở đây có nhiều gia đình phải vay tiền để con đi học, học phí tăng thì họ đã khó lại càng khó hơn. Tôi hy vọng học phí tăng chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất sẽ tăng và thay đổi 1 cách triệt để chứ không phải chỉ là lời hứa. Có phương án như vậy thì khi tăng học phí phải kết hợp giám sát việc cải cách ở các trường để đảm bảo trường thực hiện tốt”.
Em Nguyễn Trọng Nhân sinh viên năm cuối trường Đại học Sài Gòn cho biết: “Em nghĩ việc tăng học phí mà nâng cao chất lượng đào tạo là một tín hiệu đáng mừng nhưng phải làm cho đến nơi đến chốn, kỹ lưỡng, chặt chẽ. Hiện tại mức học phí của em đang học là 140.000 đồng/ tín chỉ, nếu tăng 10% là 154.000 đồng/tín chỉ mà cải thiện được cơ sở vật chất, chất lượng giải dạy, dụng cụ hỗ trợ học tập còn khá thô sơ, hạn chế của trường thì quá tốt. Sinh viên chúng em luôn mong trường có trang thiết bị phục vụ sinh viên đầy đủ hơn, giảng viên áp dụng phương pháp dạy sinh động hơn. Nếu tăng học phí mà tăng được chất lượng thì nó rất cần thiết.”
Em Vương Thanh Thủy (ngụ Thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương), tân sinh viên ĐHQG TPHCM bày tỏ: “Điều kiện gia đình em cũng trung bình nên việc tăng 10% học phí cũng không đến nỗi khó khăn nhưng em mong tăng học phí thì đời sống giáo viên sẽ tăng vì giáo viên hiện tại thu nhập vẫn thấp và chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất cũng sẽ tốt hơn. Tuy vậy em nghĩ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con sẽ rất đáng ngại.”
Còn em Tăng Thị Thanh Lam (sinh viên năm cuối trường ĐH Cần Thơ) thì cho rằng mức học phí hiện tại cũng cao so với gia đình em, mức học phí ngoài công lập lại còn cao hơn. Tuy nhiên, theo thời giá mọi thứ đều tăng, nếu tăng học phí phục vụ cho việc học tốt hơn là việc nên làm nhưng nên làm cụ thể, rõ ràng như vậy dù điều kiện còn khó khăn nhưng mọi người vẫn không ngại đầu tư cho giáo dục.
Tăng học phí luôn là một nỗi lo lớn với nhiều gia đình đi học, tuy nhiên, để giải quyết thất nghiệp, các trường buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo mà nguồn lực tài chính lại là điều kiện cần để thực hiện việc này. Vì vậy, chủ trương tăng học phí là cần thiết nếu đặt đúng mục tiêu. Đi đôi với đó phải là sự công khai tiêu chuẩn đầu ra của sinh viên, điều kiện đào tạo, chất lượng đào tạo để nhân dân, sinh viên cùng giám sát.
Ngọc Khuyến