Đây là quan điểm của ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội khi chia sẻ về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022.
Xin ông chia sẻ về ý nghĩa nhân văn của việc tăng lương lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7/2022. Ông nhận định như thế nào về nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa DN và người lao động?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Có thể nói, trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh kế người dân. Nhiều thời điểm người lao động phải nghỉ việc, giãn việc, thu nhập bị giảm sút. Vì vậy, họ rất mong mỏi được sớm tăng lương tối thiểu.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 2 năm nay Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nên các DN tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Chính vì vậy, thời điểm tăng lương này vừa để hỗ trợ giúp cho người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho DN phục hồi nhanh, phát triển mạnh sau đại dịch COVID-19.
Tôi cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vào thời điểm này thay vì 1/1/2023 thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ. Cốt lõi của việc tăng lương là tạo thu nhập cho người lao động tham gia vào quá trình sản xuất một cách bền vững, vì vậy mà việc tăng lương cũng làm tăng niềm tin, tạo cơ hội cho người lao động gắn bó với DN.
Chính phủ, mà cụ thể là Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thuyết phục các bên đại diện DN và đại diện người lao động đồng tình, thống nhất mức tăng 6%. Tôi đã khá bất ngờ khi Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất được mức và thời gian thực hiện việc điều chỉnh lương ngay trong phiên đàm phán lần thứ hai. Đây là điều rất đáng vui mừng, qua đó thể hiện các bên đều rất quan tâm đến người lao động và thể hiện tinh thần quyết tâm khôi phục cũng như phát triển thị trường lao động của Chính phủ, DN và người lao động.
Có thể khẳng định, mức tăng lương tối thiểu vùng 6% tương đối phù hợp với khả năng đầu tư của từng loại hình DN, vừa để bù trượt giá, vừa để bảo đảm mức sống cơ bản cho người lao động. Quan trọng hơn là thu hút người lao động trở lại các DN, nhà máy sản xuất để tiếp tục làm việc sau thời gian phải trở về quê tránh dịch.
Việc điều chỉnh lương tối thiểu sẽ tác động đến DN ra sao và những chính sách hỗ trợ DN, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa qua của Chính phủ đã có tác động tích cực như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Việc điều chỉnh lương tối thiểu chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến DN. Khi tiền lương tăng thêm, giá thành sản phẩm tăng, chi phí sản xuất sẽ tăng theo. Vì vậy, nếu điều chỉnh lương tối thiểu không hợp lý, sẽ tác động xấu đến DN cũng như nền kinh tế. Vì vậy, mức tăng 6% và giãn thời gian tăng thành 18 tháng, thay vì 12 tháng như trước, thể hiện sự điều tiết hài hòa của Chính phủ trong việc vừa hỗ trợ người lao động vừa tạo cơ hội cho DN chuẩn bị, có kế hoạch trong sản xuất kinh doanh.
Theo quan điểm của tôi, các DN muốn giữ chân người lao động, vấn đề quan trọng nhất là thu nhập và tiền lương. Vì vậy, điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng lên hợp lý là có "lợi ích kép", có lợi cho người lao động và cũng có lợi cho DN trong việc tạo động lực cho người lao động tăng năng suất, gắn bó với DN. Có thể DN sẽ phải giảm lợi nhuận, nhưng bù lại họ giải quyết được hài hòa mối quan hệ lao động trong DN, về lâu dài sẽ có lợi cho quá trình sản xuất, hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiết hụt lao động.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN ổn định sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19 như: Chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí hỗ trợ DN theo Nghị quyết 11, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giái trị gia tăng cho DN khó khăn theo Nghị quyết 116/NQ-CP; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Những chính sách này thể hiện sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh của Chính phủ. Nhờ vậy, đã tạo động lực cho DN đồng thuận với mức tăng lương tối thiểu, san sẻ bớt khó khăn với người lao động.
Theo Nghị định, lần đầu tiên Việt Nam áp dụng tiền lương tối thiểu theo giờ, tuy nhiên nhiều ý kiến còn băn khoăn rằng mức lương này đang thấp so mặt bằng giá cả. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Thực chất, tiền lương tối thiểu giờ không phải là đề xuất mới, mà nó là quy định có sẵn trong Bộ luật Lao động, nhưng vì nhiều lý do mà bây giờ mới được áp dụng.
Lương tối thiểu theo giờ áp dụng là để bảo vệ quyền lợi cho mọi lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trong khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động, dễ bị người sử dụng lao động hoặc chủ hộ gia đình trả lương thấp.
Về những ý kiến còn băn khoăn rằng mức lương tối thiểu theo giờ chưa hợp lý, thấp so với mặt bằng giá cả, tôi cho rằng cách tính lương tối thiểu sẽ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Tức là mức lương tối thiểu giờ sẽ được tính bằng cách lấy lương tối thiểu tháng chia cho số ngày làm việc/tháng và số giờ làm việc/ngày để ra kết quả.
Vì vậy, không thể nói mức lương tối thiểu giờ là hợp lý hay không hợp lý, cao hay thấp, vì đây là mức lương thấp nhất mà Nhà nước quy định để người sử dụng lao động trả cho người lao động, không được thấp hơn quy định này.
Mức lương tối thiểu giờ là theo quy định, còn các DN sẽ tính toán để có mức lương phù hợp, xứng đáng với công sức của người lao động. DN cũng tự nhận thức được rằng nâng mức lương theo giờ lên cao hơn sẽ khuyến khích được người lao động, từ đó giữ chân được lao động cũ, thu hút được lao động mới. Đây cũng chính là đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh của DN.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Cúc