Đây là một nội dung trao đổi tại buổi họp báo chuyên đề của Tổng cục Thuế liên quan đến quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng trong Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức chi tiết về vấn đề hoàn thuế.
Cụ thể, Bộ Tài chính phải công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch các quy định của Luật Quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời phải thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế, hoàn thuế.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành thuế đã triển khai kế hoạch hành động, rà soát lại quy trình nội bộ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu đến tháng 11/2016, triển khai thí điểm hoàn thuế điện tử, công khai thông tin điện tử… Đến tháng 12, mở rộng hoàn thuế điện tử thêm 8 tỉnh, thành phố, đến năm 2017 thực hiện được 90% hoàn thuế điện tử.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện chỉ đạo về cải cách công tác hoàn thuế, Bộ Tài chính có những văn bản hướng dẫn cụ thể như Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT. Thông tư làm rõ nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế GTGT, ứng dụng công nghệ thông tin và giao dịch điện tử trong việc tiếp nhận, giải quyết, quản lý hoàn thuế GTGT giữa cơ quan thuế với người nộp thuế, thực hiện kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết hoàn thuế GTGT.
Đáng chú ý, văn bản hướng dẫn này áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế GTGT; áp dụng biện pháp nghiệp vụ hải quan đối với một số trường hợp rủi ro cao về thuế; áp dụng biện pháp nghiệp vụ quản lý hoàn thuế đối với một số trường hợp rủi ro cao về thuế (Điều 6, Điều 7, Điều 8).
Văn bản cũng quy định rõ việc cơ quan thuế tra cứu, căn cứ thông tin trên tờ khai hải quan để giải quyết hoàn thuế GTGT. Cơ quan hải quan chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác, phân luồng kiểm tra hải quan theo quy định của Luật Hải quan.
Trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá rủi ro, yêu cầu về quản lý hoàn thuế GTGT hoặc qua kiểm tra, phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, hải quan, cơ quan thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin vi phạm của người nộp thuế cho cơ quan hải quan để thực hiện việc kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm, trên cơ sở đề nghị của Tổng cục Thuế, bổ sung bộ tiêu chí, chỉ số phân loại rủi ro để chỉ đạo cơ quan hải quan các cấp thực hiện thống nhất, tự động.
Thông tư cũng quy định rõ, trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT (Điều 9). Còn Điều 27 cũng quy định rõ trách nhiệm cơ quan thuế phải xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện hoàn thuế điện tử, áp dụng quản lý rủi ro trong hoàn thuế GTGT, hỗ trợ người nộp thuế tra cứu thông tin về tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT của cơ quan thuế trên Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế, thực hiện quyết toán chi hoàn thuế GTGT, thu hồi hoàn thuế GTGT, bảo đảm an toàn, chặt chẽ tiền của ngân sách nhà nước và theo đúng quy định của pháp luật…
Về kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với người nộp thuế (Điều 21), Thông tư làm rõ trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế và thực hiện kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế đối với người nộp thuế. Điểm khác so với trước đây là chỉ quy định về đối tượng phải thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, tinh thần chung là nỗ lực triển khai hoàn thuế nhanh kịp thời, phấn đấu tăng tỉ lệ hồ sơ “hoàn trước” so với hiện tại, mục tiêu cuối 2016, tỉ lệ hoàn trước kiểm sau ít nhất là 80%. Trong đó, tối thiểu 20% kiểm tra sau hoàn thuế trong vòng 12 tháng, như vậy phải kiểm tra ngay trước và ngay sau hoàn thuế là 40%.
Lợi ích của việc này sẽ tăng tỉ lệ người nộp thuế tuân thủ tốt pháp luật. Bên cạnh đó, ngành thuế có các biện pháp phối hợp đánh giá rủi ro, phân loại hồ sơ, lựa chọn các trường hợp rủi ro cao để kiểm tra, tạo điều kiện những người nộp tuân thủ tốt pháp luật. Để biết thêm thông tin chi tiết về việc hoàn thuế, người nộp thuế có thể truy cập vào trang web của Tổng cục Thuế tại địa chỉ gdt.gov.vn.
Huy Thắng