Gia đình khó khăn được vay vốn tín dụng ưu đãi cho con em ăn học. |
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1656/QĐ-TTg điều điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV. Theo đó, mức cho vay tối đa là 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Như vậy, so với mức cũ đã áp dụng từ 15/6/2017 thì mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 1 triệu đồng/tháng/HSSV.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí vốn cho vay, vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai thực hiện Chương trình sau năm 2020 theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thực hiện cho vay, giám sát, thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật hiện hành, trong phạm vi tăng trưởng kế hoạch tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm; tự cân đối nguồn vốn thực hiện từ nay đến năm 2020 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2019, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi quyết định này có hiệu lực thi hành.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 31/8/2019, chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn với dư nợ đạt 11.038 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng dư nợ với trên 414 nghìn khách hàng còn dư nợ; doanh số cho vay giai đoạn 2016-2019 đạt 6.908 tỷ đồng, với gần 199 nghìn HSSV được vay vốn đi học. Đây là chương trình tín dụng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội, sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước. |
Chí Kiên