Ảnh: VGP/Hiền Minh |
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam cho biết, đây là đề án chuyên biệt về ung thư vú lần đầu tiên được triển khai ở quy mô toàn quốc và có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan gồm: Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội, cơ quan y tế chuyên môn, các bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, trong đó Roche Việt Nam là đơn vị tài trợ chính cho đề án này.
Mục tiêu của Đề án là góp phần gia tăng tỉ lệ chẩn đoán ở giai đoạn sớm cho người bệnh ung thư vú và tăng tỷ lệ người bệnh ung thư vú nguy cơ cao được điều trị với các liệu pháp tiên tiến hàng năm.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam sẽ hợp tác trên các lĩnh vực gồm:
Thứ nhất, tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú thông qua triển khai nâng cao nhận thức cộng đồng, khám tầm soát về ung thư vú, xây dựng chính sách bảo hiểm y tế, hướng dẫn chuyên môn về khám sàng lọc ung thư vú.
Thứ hai, củng cố năng lực hệ thống khám, chữa bệnh về chẩn đoán, điều trị ung thư vú.
Thứ ba, phát triển hệ thống dữ liệu RWD real-world data về ung thư vú và tối ưu hóa sử dụng dữ liệu sẵn có.
Thứ tư, triển khai các nghiên cứu tổng quan về chính sách chi trả, chi phí-hiệu quả, khảo sát thực trạng tầm soát ung thư vú, khảo sát sử dụng thuốc trong điều trị ung thư vú có HER2 dương tính.
Mặc dù có thể đạt được mục tiêu giảm một số nguy cơ gây ung thư vú thông qua dự phòng, nhưng chiến lược này không thể loại bỏ phần lớn ung thư vú đang phát triển ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn rất muộn. Do đó, phát hiện sớm để cải thiện kết quả và sự sống còn của ung thư vú vẫn là nền tảng của việc kiểm soát ung thư vú, đồng thời tăng tiếp cận các liệu pháp điều trị phù hợp, tiên tiến là một giải pháp quan trọng trong kiểm soát ung thư vú.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y Tế cho biết, cách đây 5 đến 10 năm thì tỉ lệ người bệnh ung thư tới khám, điều trị ở giai đoạn muộn là hơn 70%. Thời gian qua, công tác truyền thông được đẩy mạnh, đặc biệt trong Chương trình quốc gia về phòng, chống bệnh không lây nhiễm, nhờ đó, tỉ lệ người mắc bệnh ung thư đến khám và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm tăng dần. Với việc thực hiện đề án này trên quy mô toàn quốc và có sự hợp tác của các cấp, ban ngành, cơ quan y tế kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực, bền vững, góp phần nâng cao khả năng ứng phó với ung thư của Việt Nam.
Đối với bệnh viện, Đề án này giúp nâng cao năng lực cho các bác sĩ về phát hiện sớm, điều trị ung thư vú, qua đó người bệnh sẽ được tiếp cận và sử dụng dịch vụ có chất lượng.
Ung thư vú là bệnh ung thư hàng đầu ở phụ nữ, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển. Tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú đang gia tăng ở các nước đang phát triển do tuổi thọ tăng, tốc độ đô thị hóa tăng và thay đổi lối sống.
Theo báo cáo ghi nhận ung thư toàn cầu Globocan 2020, tại Việt Nam, trong số ung thư ở nữ, số người mới mắc ung thư vú đứng hàng thứ nhất, với 21.555 người, chiến 25,8%, tính theo cả hai giới đứng hàng thứ ba (sau ung thư gan và ung thư phổi). Tỉ lệ mới mắc chuẩn theo tuổi của ung thư vú ở nữ là 34,2 trên 100.000 dân. Số tử vong do ung thư vú đứng hàng thứ tư (với 9.345 trường hợp) sau ung thư gan, ung thư phổi và ung thư dạ dày. Tỉ lệ tử vong chuẩn theo tuổi do ung thư vú là 13,8 trên 100.000 dân.
Hiền Minh