In bài viết

Tăng trưởng cao nhưng phải gắn liền với bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát

(Chinhphu.vn) – Đồng tình với nội dung Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên do Chính phủ trình, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phấn đấu đạt tăng trưởng 8% trở lên nhưng bằng mọi giá, chúng ta vẫn phải bảo đảm được sự ổn định vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm vấn đề về an toàn nợ công, bội chi ngân sách, kiểm soát lạm phát…

14/02/2025 15:54
Tăng trưởng cao nhưng phải gắn liền với bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát- Ảnh 1.

Tổ 3 (gồm các đoàn đại biểu Quốc hội: Bắc Giang, Nghệ An, Đắk Nông) thảo luận Tổ - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Thảo luận tại Tổ 3 (gồm các đoàn đại biểu Quốc hội: Bắc Giang, Nghệ An, Đắk Nông) vào chiều 14/2 về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 chúng ta có nhiều thời cơ và thuận lợi, trong đó có nền tảng vững chắc từ những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt và toàn diện trong quản lý kinh tế; cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, nhất là những ngành, nghề mới nổi nhờ vào vị thế của nước ta đã được xác lập trên bản đồ công nghiệp bán dẫn, khởi nghiệp sáng tạo… toàn cầu. Đặc biệt, tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ mở ra những thời cơ và vận hội mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng phải ứng phó, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, rủi ro gia tăng; xu hướng phân tách, phân cực ngày càng rõ nét; sức ép cạnh tranh mạnh trong xuất khẩu, các nước lớn gia tăng hàng rào thương mại, thuế quan; các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số tác động, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng;…

Bày tỏ đồng tình với nội dung Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên do Chính phủ trình, Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng mục tiêu mà Đề án đề ra là đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 8% trở lên là có cơ sở, điều này xuất phát từ nền tảng vĩ mô ngày càng được củng cố vững chắc, lạm phát được kiểm soát tốt theo mục tiêu; những kết quả đạt được trong những năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay nói chung và năm 2024 nói riêng là rất tích cực, tạo đà, nền tảng cho tăng trưởng cao trong năm 2025 và thời gian tới. Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng phấn đấu đạt tăng trưởng 8% trở lên nhưng bằng mọi giá chúng ta vẫn phải bảo đảm được sự ổn định vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm vấn đề về an toàn nợ công, bội chi ngân sách, kiểm soát lạm phát…

Tăng trưởng cao nhưng phải gắn liền với bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát- Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng mục tiêu mà Đề án đề ra là đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 8% trở lên là có cơ sở, điều này xuất phát từ nền tảng vĩ mô ngày càng được củng cố vững chắc, lạm phát được kiểm soát tốt theo mục tiêu - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đồng thời cần quan tâm, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp; có giải pháp đột phá về khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động; rà soát tổng thể về hệ thống quy hoạch và cơ chế xử lý khi có vướng mắc, mâu thuẫn giữa các quy hoạch, tạo thuận lợi và giảm chi phí tiếp cận đất đai.

Theo Đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An), mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 được đề ra khẳng định quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước ta và điều này là có căn cứ, có cơ sở khi kết thúc năm 2024, nước ta có mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; xu thế phục hồi kinh tế là rất rõ nét, quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước và năm sau cao hơn năm trước, điều này cho chúng ta có niềm tin để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.

Tuy nhiên, Đại biểu Trần Đức Thuận cũng nhấn mạnh, những chủ trương chiến lược của các nước lớn gần đây, nhất là chính sách thuế của Hoa Kỳ sẽ có tác động rất lớn tới thị trường toàn cầu. Nước ta, có sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, vì vậy, cần phải theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, đánh giá đúng tình hình để kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp. Tiếp tục tăng cường năng lực nội sinh, có các giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời, phải có những giải pháp kích cầu tiêu dùng mạnh hơn, phù hợp hơn đi liền với giữ thị trường và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Còn Đại biểu Phạm Phú Bình (Nghệ An) nêu quan điểm, tăng trưởng cao nhưng yêu cầu đặt ra phải là tăng trưởng bền vững, bảo đảm chất lượng tăng trưởng. Phải hết sức quan tâm, kiểm soát các yếu tố thường do hệ lụy của tăng trưởng nóng gây ra, đó là vấn đề về lạm phát, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, ô nhiễm môi trường sinh thái, khai thác và sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên…

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, một số ý kiến đề xuất cần có giải pháp cụ thể, thực chất, hiệu quả để triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến, nâng cao năng suất lao động./.

Hải Giang