In bài viết

Tăng trưởng ngành Xây dựng cao nhất từ năm 2020 đến nay

(Chinhphu.vn) - Năm 2024, tăng trưởng của ngành xây dựng ước đạt 7,8 - 8,2%, vượt kế hoạch đặt ra là 6,4 – 7,3%. Đây là kết quả cao nhất từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.

14/12/2024 12:34
Tăng trưởng ngành Xây dựng cao nhất từ năm 2020 đến nay- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì hội nghị tổng kết ngành Xây dựng năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025-Ảnh:VGP/Toàn Thắng

Sáng 14/12, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 của ngành xây dựng.

Trình bày kết quả công tác năm 2024, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Ngô Lâm cho biết, ngay từ đầu năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Xây dựng, các đơn vị, doanh nghiệp đã tập trung, nỗ lực thực hiện các chương trình, kế hoạch Bộ đã ban hành để triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành xây dựng ước đạt 7,8 - 8,2%. "Đây là kết quả cao nhất từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế", Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2024 đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển còn lại đều đạt so với kế hoạch đề ra.

Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng, công tác hoàn thiện thể chế được quan tâm đặc biệt, là điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm, đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của Bộ.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đã tham mưu, xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm từ 1.8.2024, thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại Kỳ họp thứ Tám.

Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc đưa hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội.

Tăng trưởng ngành Xây dựng cao nhất từ năm 2020 đến nay- Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị- Ảnh:VGP/Toàn Thắng

Bộ Xây dựng đã trình và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư.

Về công tác phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng đã tích cực tổ chức tập huấn, phổ biến nội dung của Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành. Đến nay, đã có 51 địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thơi tích cực đôn đốc, đẩy mạnh triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó Bộ đã giao chỉ tiêu nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024 đối với từng địa phương.

Kết quả từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 580.109 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành: 96 dự án với quy mô 57.652 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng: 133 dự án với quy mô 110.217 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 415 dự án với quy mô 412.240 căn.

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, đến nay đã có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử (có 16 dự án đã được cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng).

Thị trường bất động sản từ đầu năm 2024 đến nay cũng đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực như: nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đã được cải thiện; lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng biến động giá cục bộ tại một số phân khúc và một số khu vực. Trước tình hình giá bất động sản, nhà ở thương mại tại một số đô thị lớn tăng cao, Bộ đã kịp thời có báo cáo Thủ tướng, trong đó đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp xử lý, đồng thời có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương có giải pháp xử lý kịp thời, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết.

2025 là năm cuối để toàn ngành xây dựng quyết tâm tăng tốc, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị đạt 15%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 18,5%.

Tăng trưởng ngành Xây dựng cao nhất từ năm 2020 đến nay- Ảnh 7.

Ông Ngô Lâm, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng trình bày báo cáo tổng kết năm 2024 - Ảnh:VGP/Toàn Thắng

Diện tích nhà ở bình quân đạt 27m2 sàn/người; số lượng căn nhà ở xã hội hoàn thành: ước hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội.

Sau khi hoàn thành hợp nhất với Bộ Giao thông vận tải theo chủ trương của Trung ương, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của các lĩnh vực thuộc ngành xây dựng sẽ được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Toàn Thắng