In bài viết

Tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp lên hơn 30%

(Chinhphu.vn) – Ngành chăn nuôi phấn đấu đạt tỷ trọng trong nông nghiệp 30-32% năm 2011 từ mức 27-28% hiện nay.

22/02/2011 16:47

Ảnh Chinhphu.vn

Tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển chăn nuôi, thú y hôm nay (22/2) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát chủ trì, Cục Chăn nuôi – Bộ NNPTNT cho biết, năm 2010, ngành chăn nuôi nước ta mặc dù gặp nhiều thử thách về thiên tai, dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, biến động tỷ giá… nhưng vẫn đảm bảo tốc độ phát triển.

Tổng sản phẩm chăn nuôi tăng hơn 6%

Giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp ngày càng tăng cao và hiện nay chiếm 27-28% tổng giá trị trong nông nghiệp.

Theo Cục Chăn nuôi, tổng sản phẩm chăn nuôi năm 2010 đạt trên 4 triệu tấn thịt, hơn 300 nghìn tấn sữa tươi, tổng sản lượng trứng là gần 6 tỷ quả.

 Tổng sản phẩm chăn nuôi tăng 6,3% so với năm 2009. Bình quân sản phẩm chăn nuôi năm 2010 của người Việt Nam là 46kg thịt hơi, trên 3,5kg sữa và 67 quả trứng.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho biết, xu hướng chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp, công nghệ cao đang được quan tâm, trong khi đó chăn nuôi nông hộ giảm dần.

Hiện nay cả nước có trên 20.800 trang trại, tốc độ tăng trưởng trang trại chăn nuôi năm 2010 so với năm 2009 là 18%. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ chiếm nhiều nhất (khoảng 36%), sau đó là đồng bằng sông Hồng khoảng 18%; đồng bằng sông Cửu Long khoảng 13%.

Tuy nhiên Cục trưởng Hoàng Kim Giao lưu ý, ngành chăn nuôi hiện nay vẫn còn tồn tại những vấn đề cần phải giải quyết triệt để trong thời gian tới như chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, phân tán mang tính tận dụng còn chiếm tỷ lệ cao. Giá thành các sản phẩm chăn nuôi cao, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, nhất là cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó còn nhiều dịch bệnh chưa được kiểm soát, làm giảm hiệu quả sản xuất và tính bền vững của ngành chăn nuôi. Quản lý chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp, hiệu lực chưa cao.

Thay đổi căn bản từ phương thức chăn nuôi

Ngành Chăn nuôi tập trung phát triển theo hướng trang trại công nghiệp

Trước những tồn tại trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, ngành chăn nuôi phải thay đổi rất căn bản, phải bắt đầu từ phương thức chăn nuôi

“Muốn phát triển chăn nuôi bền vững phải thay đổi phương thức chăn nuôi, phải dựa vào tiến bộ kỹ thuật , tổ chức thực hiện tốt và quản lý chặt chẽ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Cục Chăn nuôi đã đặt ra những những định hướng phát triển ngành trong thời gian tới, trong đó tập trung phát triển theo hướng trang trại công nghiệp gắn với giết mổ chế biến tập trung công nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Định hướng này trước hết tập trung cho lợn, gia cầm, bò sữa, sau đó mới tác các vật nuôi khác.

Mặt khác, phát triển chăn nuôi không chạy theo số lượng đầu con, chú ý đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Ưu tiên phát triển theo thứ tự: lợn, gia cầm (gà), bò (bò thịt, bò sữa), trâu, dê, cừu, thỏ và những vật nuôi khác.

Chuyển đổi cơ cấu trong chăn nuôi, đưa sản phẩm chăn nuôi công nghiệp hiện nay ở lợn từ 45-50% lên 60-65% năm 2015, 70-75% năm 2020; gia cầm từ 30-35% lên 45-50% năm 2015 và 55-60% năm 2020.

Từng bước tạo điều kiện để sản phẩm chăn nuôi của nước ta có thể xuất khẩu mạnh vào năm 2015 trở đi, đồng thời hạn chế nhập khẩu trong đó có thịt bò.

Bên cạnh đó, ngành Chăn nuôi phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp lên 30% đến 32% năm 2011, 38% năm 2015 và 42% năm 2020.

Kiều Liên