In bài viết

Tăng viện phí - Chất lượng khám chữa bệnh có tăng?

(Chinhphu.vn) - Tính đến thời điểm này, cả nước đã thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Điều người dân quan tâm vẫn là việc tăng giá dịch vụ có tương xứng với chất lượng khám chữa bệnh của các BV.

24/07/2014 17:40
Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh sẽ giúp người bệnh được tiếp cận với nhiều kỹ thuật mới, hiện đại. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Tính đến ngày 1/6/2014, TPHCM là địa phương cuối cùng trên cả nước thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 04 của liên Bộ Y tế-Tài chính.

Theo Thông tư 04, giá dịch vụ y tế (là số tiền phải trả cho mỗi dịch vụ KCB) đã được tính thêm 3/7 yếu tố so với giá trước đó gồm: Thuốc, dịch truyền, máu, vật tư; điện, nước, khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn, xử lý môi trường và duy tu, bảo dưỡng thiết bị.

Lộ trình đến năm 2018, giá này sẽ được tính đúng, tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành, gồm 3 yếu tố (như trên) và 4 yếu tố khác là tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị lớn; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Điều này đồng nghĩa với việc chi phí khám chữa bệnh (KCB) của người dân sẽ từng bước bị đội lên cao.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là khi tăng giá dịch vụ y tế, đối tượng nào sẽ được hưởng lợi?

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), giá dịch vụ y tế không chỉ đơn thuần là giá để thu của người bệnh mà còn là cơ sở quan trọng để cơ quan BHYT thanh toán chi phí KCB cho người bệnh có thẻ BHYT.

Do đó, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp khi tăng giá dịch vụ y tế là những người có thẻ BHYT (hiện nay khoảng 70% dân số nước ta đã có thẻ BHYT).

Cụ thể, khi điều chỉnh tăng giá, cơ quan BHYT sẽ phải thanh toán với mức cao hơn và phần đông chi trả của người bệnh có thẻ BHYT sẽ được giảm bớt. Đặc biệt, đối với một số đối tượng như người nghèo, quân nhân đang tại ngũ; cha đẻ mẹ đẻ, vợ/chồng, con của liệt sỹ… từ 1/1/2015 sẽ được BHYT chi trả toàn bộ.

Bên cạnh đó, một số vật tư thông dụng trước đây chưa được quy định rõ thì nay được tính trong giá, người bệnh sẽ không phải tự mua hoặc trả thêm nên giảm bớt thời gian, giảm phiền hà.

Một đối tượng khác cũng được hưởng lợi khi điều chỉnh tăng giá dịch y tế là các BV vì có thêm nguồn thu để triển khai một số dịch vụ, kỹ thuật mà trước đây do giá thấp, BV chưa triển khai được, nhất là đối với các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện. Khi đó, người bệnh sẽ được tiếp cận với những dịch vụ này.

Đặc biệt, đến năm 2018, khi giá dịch vụ y tế được tính đúng tính đủ 7/7 cấu phần, thì không cơ sở y tế nào được phép thu thêm bất kỳ khoản gì của người dân. Và điều quan trọng là khi đó ngân sách Nhà nước sẽ không phải chi trả lương cho cán bộ y tế, thay vào đó là các BV tự chi trả cho nhân viên. Ước tính sơ bộ hiện nay, mỗi năm NSNN phải chi khoảng 10.000 tỷ đồng lương cho cán bộ y tế.

“Số tiền từ NSNN sẽ dành để hỗ trợ cho các đối tượng mua thẻ BHYT”, ông Nam Liên nhấn mạnh.

Người tham gia BHYT sẽ được hưởng quyền lợi trực tiếp khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Một câu hỏi khác là mỗi khi giá viện phí được điều chỉnh thì chất lượng KCB tại các cơ sở y tế có tăng lên tương xứng và quyền lợi của người bệnh có thực sự được nâng lên?

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều BV công đều trả lời thẳng thắn rằng chất lượng điều trị tại các BV khó có thể tăng ngay trong “một sớm một chiều”.

“Vì muốn nâng cao chất lượng KCB, các cơ sở y tế cần phải huy động nhiều yếu tố như trình độ y bác sĩ, ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại… Nếu chỉ trông vào ngân sách thì các BV không thể có được những yếu tố này một cách đầy đủ”, TS. Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết.

Lãnh đạo nhiều BV cũng khẳng định khi viện phí tăng sẽ là cơ hội và cũng là cơ sở để các BV từng bước nâng cao chất lượng KCB.

“Khi viện phí được điều chỉnh, BV sẽ có điều kiện thuận lợi để tiếp tục đầu tư phát triển các kỹ thuật mới mà BV đã ấp ủ và bước đầu triển khai như máy định danh vi khuẩn và kháng sinh đồ, xét nghiệm men tim, nội soi can thiệp…”, ông Đỗ Quang Thuần, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, nói.

Đặc biệt, khi giá dịch vụ y tế tăng, quyền lợi của những người bệnh có thẻ BHYT chắc chắn sẽ tăng theo.

Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), khi người dân tham gia BHYT thì giá viện phí dù cao cũng đã có cơ quan BHYT cùng chi trả với người bệnh, nhưng nếu người dân không tham gia BHYT thì sẽ phải đóng viện phí với giá cao.

Ông Bằng cũng chỉ ra rằng: “Hiện nay, nhiều cơ sở KCB cứ tận dụng là chưa tính đúng tính đủ để thu thêm một số chi phí của người bệnh, nhưng khi giá dịch y tế được tính đúng tính đủ rồi thì không cơ sở nào được phép thu thêm của người bệnh bất kỳ khoản gì”.

Như vậy, trong khi chờ chất lượng KCB của các BV từng bước được nâng cao như khẳng định của lãnh đạo nhiều BV thì việc nên làm nhất lúc này đối với người dân là tham gia BHYT, nhất là những người không thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT (hiện 1 thẻ BHYT tự nguyện là hơn 600.000 đồng/năm).

                                                                                                                                         Thúy Hà