In bài viết

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan

(Chinhphu.vn) - Kế hoạch Chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan năm 2024 đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của toàn Ngành.

11/06/2024 09:50
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành Hải quan- Ảnh 1.

Hoạt động tại Phòng Giám sát hải quan trực tuyến (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan). Ảnh: T.Bình.

Ngày 28/5/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký Quyết định 1254/QĐ-TCHQ về việc ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số của Tổng cục Hải quan năm 2024.

Các mục tiêu quan trọng trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của Tổng cục Hải quan như: Thực hiện hiệu quả Công văn số 245/TTg-KTTH ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan.

Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chuyển đổi số có liên quan đến Tổng cục Hải quan nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2024 theo Quyết định số 837/QĐ-BTC ngày 15/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã được phê duyệt tại Quyết định số 2854/QĐ-TCHQ ngày 20/11/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó tập trung xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của tất cả cán bộ, công chức hải quan về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan.

Tại Kế hoạch, Tổng cục Hải quan đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm triển khai thành công Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.

6 nhóm nhiệm vụ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng

Tại Công văn số 245/TTg-KTTH ngày 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin theo hướng số hóa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tiến tới phi giấy tờ trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, dần tiến đến chấm dứt việc yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy thuộc bộ hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cấp phép, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc và kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu với cơ quan hải quan để phục vụ thông quan hàng hóa.

Để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đề ra 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Tiến tới phi giấy tờ trong thực hiện thủ tục hải quan

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) theo hướng số hóa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tiến tới phi giấy tờ trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, dần tiến đến chấm dứt việc yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy thuộc bộ hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan.

Các nhiệm vụ cụ thể như: hoàn thiện và trình Ban Chỉ đạo phê duyệt mô hình tổng thể xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ Hải quan tổng thể trên cơ sở mô hình tổng thể xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh đáp ứng yêu cầu quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối.

Rà soát, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ cụ thể theo từng lĩnh vực (quy trình nhánh) đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối.

Thực hiện nâng cấp và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin gồm: xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan; tiếp tục triển khai có hiệu quả các hệ thống ứng dụng trong lĩnh vực hải quan.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cấp phép, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc và kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu với cơ quan Hải quan để phục vụ thông quan hàng hóa.

Rà soát, báo cáo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cấp phép, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc và kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Tăng cường kết nối, trao đổi dữ liệu với hải quan các nước

Thứ ba, bảo đảm trang thiết bị phục vụ công tác hiện đại hóa ngành Hải quan, công tác kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan tại các khu vực cửa khẩu, cảng biển, hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan Hải quan bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị nghiệp vụ thuộc cơ quan Tổng cục rà soát đề xuất nhu cầu hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan tại các khu vực cửa khẩu, cảng biển nhằm hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan Hải quan, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.

Bảo đảm trang thiết bị phục vụ công tác hiện đại hóa ngành Hải quan, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan tại các khu vực cửa khẩu, cảng biển trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị.

Thứ tư, tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đối tác thương mại chiến lược, có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các quốc gia này và ngược lại.

Thứ năm, thường xuyên tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan Hải quan các cấp; kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý đối với đơn vị, công chức hải quan có hành vi vi phạm pháp luật, gây phiền hà, sách nhiễu, không kịp thời giải quyết, để vướng mắc kéo dài mà không đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

Thứ sáu, chủ động phối hợp với Bộ Công an triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và nhanh chóng số hóa thủ tục xuất nhập khẩu qua biên giới, xây dựng cửa khẩu thông minh nhằm giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Nỗ lực thực hiện cửa khẩu số, cảng biển số

Cùng với việc tập trung thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, Tổng cục Hải quan đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể để thực hiện tốt các nội dung trong Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2024.

Tổng cục Hải quan đã và đang tập trung thực hiện các thủ tục xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan.

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan phấn đấu hoàn thành xây dựng mô hình, quy trình nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu triển khai nền tảng cửa khẩu số trong phạm vi toàn quốc.

Cụ thể, nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về việc triển khai nền tảng cửa khẩu số. Báo cáo Bộ Tài chính phối hợp với UBND các tỉnh biên giới xây dựng quy hoạch tổng thể khu vực cửa khẩu biên giới đất liền trên cơ sở các quyết định quy hoạch cửa khẩu trên các tuyến biên giới đất liền Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực hiện bố trí các khu vực nhà kiểm soát liên hợp, địa điểm làm việc cho lực lượng chức năng tại cửa khẩu, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tạo điều kiện hiện đại hóa công tác quản lý chuyên ngành và các hoạt động thương mại, logistics tại cửa khẩu; không để xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hóa, phương tiện, gây mất trật tự an toàn, an ninh trên địa bàn.

Báo cáo Bộ Tài chính phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, các bộ, ngành liên quan xây dựng cửa khẩu thông minh và nhanh chóng số hóa thủ tục xuất nhập khẩu qua biên giới nhằm giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Đối với triển khai nền tảng cảng biển số, Tổng cục Hải quan phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thành xây dựng mô hình, quy trình nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu triển khai nền tảng cảng biển số trong phạm vi toàn quốc. Nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về việc triển khai nền tảng cảng biển số.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hải quan

Ngoài ra, để thực hiện tốt các nội dung trong Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2024, Tổng cục Hải quan còn triển khai nhiều nhiệm vụ liên quan như: báo cáo Bộ Tài chính về tình hình thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về hải quan và đề xuất phương án, lộ trình cụ thể để thực hiện phù hợp với thực tế triển khai, các chủ trương, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Xây dựng cơ sở dữ liệu trên cơ sở kết nối với trang thiết bị thông minh nhận dạng hình ảnh và ứng dụng phân tích dữ liệu lớn.

Nâng cấp và đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử hải quan, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin toàn diện cho người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện và hoàn thành việc kết nối, tích hợp các thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (được triển khai sau khi hoàn thành Cổng Dịch vụ công quốc gia) với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tiếp tục triển khai, hoàn thiện, chuẩn hóa, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình thông qua việc đầu tư, nâng cấp mở rộng và đưa vào sử dụng Hệ thống cổng thông tin điện tử tập trung và Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Nghiên cứu, đề xuất ứng dụng giải pháp trí tuệ nhân tạo vào xây dựng bài toán nghiệp vụ hệ thống công nghệ thông tin theo nhiệm vụ xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số giai đoạn sau thông quan.

Triển khai trung tâm giám sát an ninh mạng tập trung ngành Hải quan (SOC) tại Trung tâm dữ liệu của Tổng cục. Thực hiện kết nối và xây dựng quy chế phối hợp giám sát, chia sẻ thông tin, xử lý sự cố với các trung tâm giám sát an ninh mạng của ngành Tài chính, các đơn vị giám sát an ninh mạng chuyên trách của quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an) và các đối tác có thỏa thuận hợp tác với ngành Hải quan…

Chuyển đổi số toàn diện

Tổng cục Hải quan đánh giá thời gian qua, công tác chuyển đổi số ngành Hải quan đã đạt những kết quả quan trọng.

Có thể kể đến như hoàn thiện mô hình tổng thể xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh theo hướng số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ hải quan tất cả các khâu trước, trong và sau thông quan đảm bảo đơn giản hóa, tự động hóa, liên thông giữa các luồng thông tin và phản ánh toàn diện yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, ứng dụng kỹ thuật khóa học công nghệ tiên tiến để phân tích, xử lý thông tin.

Về triển khai Dự án xây dựng Hệ thống CNTT thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan (Dự án số 01), Ban Triển khai dự án xây dựng Hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan đã cơ bản hoàn thành Báo cáo khảo sát, thiết kế cơ sở, hồ sơ xin ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông về cấp độ an toàn thông tin; hiện đang tiếp tục hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt yêu cầu bài toán nghiệp vụ, danh sách chức năng (phiên bản 3).

Liên quan đến triển khai các nội dung của Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, ngành Hải quan đã nghiên cứu, phân tích và đánh giá sơ bộ những điểm mới của Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0. Xác định các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung của Kiến trúc tổng thể Hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số, Mô hình kiến trúc hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan.

Về mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2023-2026…

Những nỗ lực của cơ quan Hải quan trong tiến trình chuyển đổi số được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Thanh Quang