In bài viết

Tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân

(Chinhphu.vn) - Chỉ 16,5% các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế quốc tế là phụ nữ. Vẫn cần thêm các chính sách hỗ trợ để thu hẹp khoảng cách, tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo giúp họ có thể cạnh tranh một cách công bằng.

07/09/2022 18:31
Tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân - Ảnh 1.

Hội thảo "Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ giới" ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến bình đẳng giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; các chính sách hỗ trợ cho các nhà sáng tạo, doanh nhân nữ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đây là ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nữ doanh nhân đưa ra tại Hội thảo "Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ giới" được tổ chức vào chiều ngày 7/9.

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), tại Việt Nam, KH&CN là một trong 8 lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Hiện nay, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam có sự gia tăng (chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước).

Thông qua hoạt động nghiên cứu KH&CN, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, họ đã được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận.

Tuy nhiên, phụ nữ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cũng gặp phải không ít những rào cản, thách thức trong công việc, gia đình và xã hội. Những rào cản đến từ quan điểm của cộng đồng, xã hội; cơ chế chính sách còn thiếu những đãi ngộ đủ mạnh để động viên, khuyến khích các nhà khoa học nữ làm công tác nghiên cứu và cả những thách thức ngày càng lớn của quá trình phát triển công nghệ mạnh mẽ, đòi hỏi các nhà khoa học nữ phải nỗ lực hơn nữa, trong khi vẫn phải cân bằng giữa công tác nghiên cứu khoa học và gia đình.

Theo ông Trần Lê Hồng, khoảng cách giới trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và đặc biệt trong đó là việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của các nước trên thế giới.

Dẫn số liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), ông Trần Lê Hồng cho hay, chỉ 16,5% các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế quốc tế là phụ nữ, trong khi đó tại Hoa Kỳ, nam giới đăng ký nhiều gấp đôi so với nữ giới.

Nhận thức rõ về thực trạng còn tồn tại một số bất bình đẳng giới trong nghiên cứu và sáng tạo với không ít khó khăn mà các nhà khoa học và đổi mới sáng tạo, doanh nhân nữ còn phải đối diện, Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Một trong những chính sách phải kể đến, đó là Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025.

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, qua 4 năm thực hiện đề án này, đã có gần 3.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tại cấp Trung ương, hơn 72.000 phụ nữ khởi nghiệp, 1.451 doanh nghiệp và 523 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ thành lập mới từ hỗ trợ của Đề án.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội cũng ngày càng thiết thực, kết nối với doanh nhân, nhà khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

Theo bà Tôn Ngọc Hạnh, trong quá trình lao động, học tập và sinh sống, việc tôn trọng, xác lập và thực thi nghiêm túc quyền sở hữu tuệ của nữ giới sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sức sáng tạo của con người nói chung và phụ nữ nói riêng.

Ông Hasan Kleib, Phó Tổng Giám đốc WIPO cho biết, một số nhóm đối tượng đang được WIPO dành nhiều sự quan tâm, đó là phụ nữ, giới trẻ và doanh nhân. Bởi theo khảo sát, ở các nước trên thế giới, hơn 50% các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ và ở Việt Nam là trên 60%.

WIPO tôn trọng bình đẳng giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ cho các nhà sáng tạo, doanh nhân nữ để giúp họ sử dụng sở hữu trí tuệ như là công cụ đắc lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp…

Nêu một số thuận lợi của nữ khoa học, nữ doanh nhân, bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam cho rằng, mới đây Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã được thông qua với mục tiêu nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, các quy định được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hợp lý và khả thi hơn.

Bên cạnh đó, nữ doanh nhân, nữ sáng tạo đã được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ quốc tế, mặc dù mới chỉ dừng ở các hoạt động phổ biến kiến thức, hội thảo chung, nhưng cũng đã có hiệu ứng tốt tới các nữ khoa học.

Bà Lê Thị Khánh Vân đề xuất, trong thời gian tới, các cơ quan liên quan cần tăng cường hợp tác để hỗ trợ các nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo đăng ký sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ cung cấp các chương trình đào tạo cho phụ nữ Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách, tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo để họ có thể cạnh tranh một cách công bằng ở cấp độ quốc tế.

Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất thay đổi quy định pháp luật, điều ước và chính sách trong nước và quốc tế để giúp các nhà sáng chế, doanh nhân nữ có được vị thế thích hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa không ngừng phát triển. Đồng thời hợp tác với các chính phủ, tổ chức công, hoặc các tổ chức, hiệp hội khác để thực hiện các hoạt động liên quan hỗ trợ các nhà sáng chế và doanh nhân nữ như: Diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế về sáng chế của nữ…

Tạo cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân - Ảnh 2.

Ký kết Bản ghi nhớ và khởi động Chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ cho cán bộ ngoại giao và nhà đàm phán thương mại - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

* Cùng ngày, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã ký kết Bản ghi nhớ và khởi động Chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ cho cán bộ ngoại giao và nhà đàm phán thương mại.

Chương trình nhằm mục tiêu trang bị cho các nhà ngoại giao kiến thức, kỹ năng cơ bản về sở hữu trí tuệ và mối liên hệ giữa sở hữu trí tuệ và các thách thức toàn cầu hiện nay như sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu. 

Chương trình cũng hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo ngoại giao để có thể tổ chức các khóa đào tạo về sở hữu trí tuệ một cách thường xuyên và hiệu quả về sở hữu trí tuệ.

Để đạt được mục tiêu này, WIPO và Học viện Ngoại giao Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ để xây dựng và cung cấp chương trình đào tạo theo từng giai đoạn, có cân nhắc đến các ưu tiên, lợi ích và kỳ vọng của các nhà ngoại giao và cán bộ các cơ quan nhà nước.

Cũng nhân dịp này, các chuyên gia về sở hữu trí tuệ của WIPO và Việt Nam đã có buổi chia sẻ với sinh viên Học viện Ngoại giao và một số trường đại học về chủ đề "Nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ Việt Nam đối với sở hữu trí tuệ".

Hoàng Giang