Đây là một trong những ý kiến được trao đổi tại Diễn đàn "Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức ngày 6/12, PGS. TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật nhấn mạnh, phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ là một yêu cầu kinh tế mà còn là nhiệm vụ chiến lược để bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững quốc gia.
PGS. TS. Vũ Trọng Lâm đánh giá, trong gần 5 năm qua, ngành Năng lượng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể. Trong đó, năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu trong sản xuất điện. Điều này không chỉ đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về năng lượng tái tạo mà còn khẳng định vai trò của chúng ta trong công cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Ngành năng lượng đang từng bước chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, minh bạch...Các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm áp lực về an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, PGS. TS. Vũ Trọng Lâm cho rằng, thị trường năng lượng của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kết cấu hạ tầng ngành Năng lượng chưa theo kịp tốc độ phát triển, đặc biệt là hạ tầng truyền tải điện. Các dự án năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải chưa được nâng cấp đồng bộ, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số khu vực, gây ra sự lãng phí lớn...
"Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm xây dựng khung pháp lý đồng bộ, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, nâng cấp hạ tầng truyền tải điện và tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến", PGS. TS. Vũ Trọng Lâm khuyến nghị.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh quan điểm Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp thúc đẩy thị trường năng lượng cạnh tranh trong thời gian tới.
Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2020, với mục tiêu xây dựng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng (than, khí, điện) cạnh tranh lành mạnh, theo từng giai đoạn và có sự điều tiết của Nhà nước. Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường hội nhập quốc tế...
PGS. TS. Trần Đình Thiên cho hay, để phát triển bền vững ngành Năng lượng, Việt Nam cần tập trung khai thác các nguồn lực tiềm năng như thủy triều, hải lưu nóng và đặc biệt là năng lượng hạt nhân. Theo ông Trần Đình Thiên, việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận như chủ trương chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là bước chuẩn bị chiến lược cho tương lai, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và thúc đẩy đổi mới cấu trúc phát triển kinh tế.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Anh Chiến, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, tập đoàn đã và đang tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Đồng thời chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
"Petrovietnam luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ, cập nhật các công nghệ mới giúp giảm thiểu phát thải ra môi trường và hạn chế tối đa các rủi ro không mong muốn. Petrovietnam và các đơn vị thành viên luôn đảm bảo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về an toàn, sức khỏe, môi trường hiện hành", ông Chiến khẳng định.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, PGS. TS Phạm Thị Thanh Bình, Trường Đại học Mở Hà Nội nhận định, để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần tập trung vào các chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Theo đó, cần chuyển sang cơ chế đấu thầu để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư được chọn lựa để phát triển sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình nêu một số kinh nghiệm có tính ứng dụng cao khi phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh của Việt Nam. Theo đó, từ năm 2009, Đài Loan (Trung Quốc) đã ban hành Đạo luật phát triển năng lượng tái tạo, mở đường cho phát triển năng lượng tái tạo.
"Đạo luật quy tụ nhiều doanh nghiệp tham gia với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo nhằm tách khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng có hạn, góp phần giảm lượng khí thải carbon và ngăn chặn những thảm họa do sự nóng lên toàn cầu gây ra", PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình chia sẻ.
Anh Minh