Chiều 28/11, tại TPHCM, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2022.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên "luật chơi" mới về thương mại và đầu tư.
Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới "tính xanh" của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Qua đó, nhiều ngành hàng, DN đã chủ động chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN, kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục khởi sắc, đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt là hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá tiếp tục đà tăng trưởng cao với kim ngạch 10 tháng đầu năm 2022 đạt gần 620 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất siêu 9,4 tỷ USD). Dự kiến cả năm đạt 750 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm trước và tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, hiện nay, thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của căng thẳng địa chính trị, lạm phát gia tăng khiến chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.
Bối cảnh trên đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, đặc biệt là các quy định, chính sách liên quan đến kinh tế "xanh", thương mại "xanh", giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp, thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng trong việc sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường để phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Eurocham Việt Nam cho biết, Việt Nam có sự phát triển thương mại rất mạnh mẽ, xuất khẩu có sự chuyển dịch tích cực, sản phẩm đa dạng nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại (FTA) để tăng cường phát triển.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một quốc gia bị ảnh hưởng và tổn thương lớn bởi biến đổi khí hậu, do đó, Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế xanh, bền vững. Trong khi đó, các FTA mà Việt Nam tham gia, nhất là EVFTA đều có cam kết về phát triển xanh, bền vững; người tiêu dùng EU thích những sản phẩm được sản xuất xanh, bền vững và phía EU cũng thắt chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng xanh, bền vững. Chính vì vậy, các DN Việt Nam phải được tái định hình theo hướng này. Eurocham cam kết hỗ trợ và hợp tác giúp Việt Nam trong vấn đề này.
Các DN châu Âu cũng đang mong muốn tận dụng các lợi thế từ Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh hợp tác và mở rộng đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam, nhất là các lĩnh vực có thế mạnh của các doanh nghiệp châu Âu như khoa học công nghệ, phát triển năng lượng xanh, tái tạo hướng tới sự tăng trưởng xanh và bền vững cho DN và cộng đồng. Người tiêu dùng và nhà đầu tư hiện nay ngày càng hướng đến các mô hình kinh doanh bền vững, các khoản đầu tư bền vững là công cụ hướng đến phát triển lâu dài.
Các DN Việt Nam cần chủ động đổi mới chính mình, nâng cao năng lực nội tại, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để nhanh chóng thích nghi và phát triển theo lộ trình xanh và bền vững.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Bartosz Cieleszyski, Phó trưởng Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, trong EVFTA có chương quy định về tăng trưởng xanh giúp tạo dòng chảy cho các sản phẩm xanh và phát triển bền vững. Việt Nam sẽ hưởng lợi liên quan đến ứng dụng và phát triển công nghệ xanh; xuất khẩu các sản phẩm xanh là con đường đầy hứa hẹn và công nghệ xanh không nằm ngoài tầm với của DN Việt Nam. Muốn sản xuất ra các sản phẩm xanh, bền vững, các DN Việt Nam cần ứng dụng công nghệ xanh và bắt đầu từ các ngành chủ lực trong xuất khẩu như nông, lâm nghiệp, thủy sản…
Cùng với công nghệ xanh, các nguyên liệu dùng cho sản xuất cần tuân thủ tính bền vững và an toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang châu Âu. Do đó, cơ quan chức năng Việt Nam cần hỗ trợ người nông dân, người sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững, trong đó thực hành tốt nông nghiệp hay canh tác sản phẩm hữu cơ là một trong những điều cần hướng đến.
Bên cạnh các sản phẩm xanh trong nông nghiệp, ông Bartosz Cieleszyski cho rằng, các sản phẩm xuất khẩu công nghiệp của Việt Nam cũng có thể phát triển xanh, bền vững khi đáp ứng các tiêu chí phát thải môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ…
Lê Anh