In bài viết

Tạo động lực để Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải

(Chinhphu.vn) – Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (CBAM) mở ra cơ hội giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm phát thải, tiến gần hơn với cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

15/04/2023 11:15
Tạo động lực để Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải - Ảnh 1.

Các chuyên gia đề xuất cần có một lộ trình, văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể của cơ quan nhà nước để định hướng doanh nghiệp tiếp cận với CBAM - Ảnh: VGP/Phương Anh

Ngày 14/4, Hội thảo tham vấn về kết quả đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (CBAM) và khuyến nghị đối với Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác về chuyển dịch năng lượng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam với Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP), được nêu trong Biên bản ghi nhớ giữa Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Văn phòng dịch vụ dự án của Liên Hợp Quốc (UNOPS).

Áp lực "xanh hoá" quy trình sản xuất

Sau 5 tháng triển khai kể từ khi dự án khởi động vào tháng 12/2022, dự thảo báo cáo đánh giá CBAM đã được hoàn thiện và được đưa ra để tham vấn các chuyên gia và nhà quản lý.

Theo đó, thuế carbon sẽ áp dụng đối với các loại hàng hoá có nguy cơ ô nhiễm cao như xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón và điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Trong đó, Việt Nam có 4 mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu chịu sự tác động của CBAM gồm sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón.

Tại Hội thảo, đại diện 4 ngành chịu ảnh hưởng bởi CBAM tại Việt Nam có phần trình bày về hiện trạng và đề xuất các chính sách phát triển.

Hiện nay, 4 ngành đều có sản lượng sản xuất lớn tại Việt Nam. Trong đó, tính riêng sản xuất thép thô, đạt gần 20 triệu tấn, giữ vị trí số 1 Đông Nam Á và đứng 13 thế giới năm 2022. Tuy nhiên, đây là các ngành phát sinh ra lượng khí thải lớn. Ước tính với sản lượng sản xuất thép thô năm 2022, ngành này sẽ thải ra khoảng 38-40 triệu tấn carbon.

Trước thực trạng trên, việc đánh thuế carbon của EU đặt ra càng nhiều thách thức hơn với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, đòi hỏi nhiều đổi mới trong chính sách phát triển, đặt ra yêu cầu tối ưu hoá công nghệ hiện đại.

Với chính sách, chủ trương từ Chính phủ và nỗ lực từ các nhà sản xuất, quá trình đổi mới chính sách phát triển đã đạt được một số kết quả ban đầu trong việc cải tiến công nghệ hay tối ưu hoá quy trình, năng lượng. CBAM được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm phát thải.

Hướng đi nào cho Việt Nam

Trên thế giới, mặc dù quan ngại về sự tuân thủ và tính phức tạp của CBAM nhưng nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều có khả năng sẽ đưa ra các cam kết tương tự. Vì vậy, đại diện tới từ 4 ngành sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón cùng nhóm tư vấn của dự án cũng đưa ra một số khuyến nghị cụ thể.

Theo đó, các chuyên gia đề xuất cần có một lộ trình, văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể của cơ quan nhà nước để định hướng doanh nghiệp tiếp cận với CBAM một cách chủ động. Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ mong muốn đơn giản hoá thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải khí carbon.

Đối với ngành sản xuất xi măng, đại diện từ Hiệp hội đề xuất hình thành thị trường carbon trong nước và nhận được trợ giá từ Nhà nước hoặc đơn vị phát thải cho các doanh nghiệp sử dụng chất thải trong sản xuất như một biện pháp khuyến khích.

Theo ông Chu Hoàng Long – chuyên gia trong nhóm tư vấn, việc định giá carbon tại Việt Nam đáng được cân nhắc trong bối cảnh EU áp dụng CBAM. Bởi lẽ, nếu Việt Nam có định giá carbon, một phần tiền thuế doanh nghiệp xuất khẩu đáng lẽ phải trả cho EU sẽ được giữ lại ở Việt Nam, từ đó hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm phát thải.

Trước dự báo CBAM có khả năng mở rộng sang các ngành sản xuất khác, nhóm tư vấn khuyến khích tăng cường đàm phán, đối thoại với EU, làm rõ các quy định và giảm thiểu tác động tiêu cực. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được ảnh hưởng của CBAM nên cần hướng dẫn cụ thể để mỗi đơn vị có thể theo dõi sát các tiến trình của CBAM, sớm chuẩn bị các biện pháp ứng phó trong mọi tình huống.

Ngày 8/2, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã công bố những cập nhật mới về kế hoạch triển khai CBAM trong bản Thoả thuận tạm thời được thông qua từ các cuộc đàm phán đa phương về đề xuất CBAM. Dự kiến giai đoạn chuyển tiếp của CBAM sẽ bắt đầu từ tháng 10/2023, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2026 và vận hành toàn bộ vào năm 2034.

Phương Anh