Việc khơi dậy sức mạnh nội sinh, các giá trị văn hóa và tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ trọng yếu để phát triển văn hóa dân tộc hiện nay. |
Động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa
Theo GS.TS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, mới đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", trong đó nhấn mạnh việc coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đây là sự coi trọng và chú ý của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, nhưng mặt khác, chúng ta chưa nhìn nhận được một cách đầy đủ động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá trong sự phát triển.
Nhìn văn hoá một cách đầy đủ ở mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta sẽ thấy văn hoá có mặt ở tất cả những gì liên quan đến con người và trong tất cả mọi lĩnh vực. Một khi có những chính sách, cơ chế phù hợp với lòng người chúng ta sẽ khơi dậy được triệt để nhất động lực văn hoá của con người trên mọi hoạt động, mọi khía cạnh của cuộc sống, mà không phải chỉ thuần tuý ở một loại hình văn hoá, nghệ thuật hay kinh tế xã hội nào khác. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trong lĩnh vực kinh tế-xã hội động lực văn hoá và sức mạnh nội sinh của nó có thể đem lại một sức mạnh vô biên và nguồn lực kinh tế to lớn.
Nhìn nhận động lực và sức mạnh nội sinh dưới góc độ văn hoá ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta sẽ thấy bất kể lĩnh vực nào từ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá đều có thể chỉ ra và khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá, mà không chỉ thuần tuý ở trong một ngành nghề nào. Hiểu được như vậy, để mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sẽ phát huy được tối đa những động lực văn hoá trong bối cảnh riêng của ngành mình. Thiết nghĩ đến lúc này sự hiểu biết về động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá ở chúng ta cũng cần phải được hiểu một cách thông suốt và nhuần nhuyễn như vậy không chỉ ở những người đứng đầu các bộ, ngành, mà phải lan toả sự hiểu biết ấy ra toàn xã hội. Có như vậy, mới thấy được động lực và sức mạnh nội sinh thực sự của văn hoá đối với sự phát triển đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Để Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết: Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này diễn ra trong điều kiện cả nước ta đang gắng sức vượt qua thách thức vô cùng to lớn và phức tạp của đại dịch COVID-19. Bối cảnh này khiến chúng ta nhớ lại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra vào ngày 24/11/1946, đúng vào lúc thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Hải Phòng, đẩy vận mệnh nước ta khi đó vào tình thế vô cùng nguy nan, cấp bách. Chính vào những ngày tháng rực lửa và hào hùng đó, hơn 200 đại biểu đại diện cho toàn thể giới văn nghệ sĩ trí thức đã tụ hội ở Nhà hát Lớn Hà Nội để bàn thảo về những đường hướng cơ bản của nền văn hóa Việt Nam mới, bày tỏ những khát vọng cháy bỏng của giới văn nghệ sĩ, trí thức được đem tài năng, tâm sức cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc. Đặc biệt là chuẩn bị tâm thế, tinh thần cho toàn dân tộc ta bước vào cuộc Toàn quốc kháng chiến với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định sứ mệnh cao cả của văn hóa là: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, suốt 75 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà luôn luôn ghi nhớ sâu sắc và nỗ lực hết mình thực hiện bằng được những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc, nhân dân làm mục đích cao nhất, không chỉ thụ động phản ánh hiện thực cuộc sống mà phải chủ động dấn thân vào thực tiễn cách mạng để cổ vũ, khuyến khích và bảo vệ những cái tốt, chân, thiện, mỹ; để phê bình, đả phá những thói hư tật xấu, những tệ nạn, tội phạm và các xu hướng lối sống tiêu cực, tất cả nhằm hướng tới việc vun bồi nguyên khí quốc gia, khơi dậy khát vọng của dân tộc, củng cố niềm tin, bồi bổ tinh thần yêu nước, nhân ái, độc lập, tự chủ, tự cường của quốc dân.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và cho văn học- nghệ thuật nói riêng sự quan tâm mạnh mẽ, liên tục và thiết thực.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện, với những bước thăng trầm đáng ghi nhớ và suy ngẫm. Sau khoảng thời gian đầu khởi sắc với những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận, nền văn học - nghệ thuật nước nhà từng bước chuyển sang giai đoạn khá trầm lắng. Tuy ở mỗi lĩnh vực đội ngũ văn - nghệ sĩ đều có cố gắng, có những thành tựu và đóng góp đáng ghi nhận, nhưng với tất cả tinh thần cầu thị và trách nhiệm nghề nghiệp, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận sự thật là những thành tựu văn học - nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước và không xứng tầm với sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ kính yêu từng gửi gắm và giao phó.
Đứng trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã dành cho sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học - nghệ thuật nói riêng, sự quan tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển văn hóa Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng đề xuất cần có một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam và Chính phủ sớm cho phép ban hành Chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong điều kiện mới.
Bên cạnh đó cần có cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế. Nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh lãng phí…
Xây dựng môi trường văn hóa trong phát triển văn hóa, con người
Theo ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội nói riêng, với tổng thể chiến lược phát triển quốc gia nói chung. Để phát huy được giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải quan tâm đồng bộ tới các yếu tố văn hóa, trong đó, xây dựng môi trường văn hóa là một trong các nhiệm vụ trọng yếu. Vì môi trường văn hóa không chỉ có ý nghĩa với sự hoàn thiện của từng thành viên trong xã hội, với sự phát triển nền văn hóa dân tộc mà một môi trường văn hóa lành mạnh còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, tạo nên thế và lực của quốc gia trong công tác đổi ngoại và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ trọng yếu để phát triển văn hóa dân tộc hiện nay. Việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ góp phần tạo ra những con người mới có nhân cách, đạo đức, tri thức, năng lực và bản lĩnh, đồng thời khắc phục và đẩy lùi cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội. Môi trường văn hóa lành mạnh là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và củng cố an ninh quốc phòng. Để khắc phục những hạn chế, phát huy những thành tựu đã đạt được, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ như tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân./.
Thiện Tâm