In bài viết

Tạo hành lang pháp lý để kiểm soát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng

(Chinhphu.vn) - Chiều tối 20/3, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự án Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phiên họp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì với sự tham gia của Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh và đại diện các bộ, ngành liên quan.

21/03/2023 12:03
Tạo hành lang pháp lý để kiểm soát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng - Ảnh 1.

Luật các TCTD đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng - Ảnh: VGP/LS

Các TCTD yếu kém được nhận diện và cơ cấu lại

Phát biểu tại phiên họp, đại diện NHNN Việt Nam cho biết qua hơn 12 năm thực hiện, Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010 (sau đây gọi chung là Luật các TCTD) đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Theo đó, Luật các TCTD đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo khung pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống các TCTD. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, thi hành, triển khai Luật các TCTD được xây dựng, ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng và đáp ứng các yêu cầu đặt ra. 

Đồng thời, Luật đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của các TCTD; quy định cụ thể phạm vi hoạt động của từng loại hình TCTD, trong đó lấy hoạt động của ngân hàng thương mại làm căn cứ dẫn chiếu khi quy định phạm vi hoạt động của các loại hình TCTD khác.

Luật các TCTD và các văn bản hướng dẫn Luật đã tạo điều kiện cho các TCTD nâng cao chất lượng công tác quản trị, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tiếp cận dần với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong hoạt động ngân hàng. 

Tuy nhiên, để tăng cường chất lượng quản trị, điều hành TCTD, một số quy định của Luật các TCTD cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời như: điều chỉnh quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của 1 cổ đông, nhóm cổ đông và người có liên quan của cổ đông, tỉ lệ giới hạn cấp tín dụng, bổ sung trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ của người quản lý, điều hành TCTD để hạn chế việc thao túng trong hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của TCTD,...

Đặc biệt, Luật đã tạo ra hành lang pháp lý để kiểm soát an toàn hệ thống các TCTD như các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát. Các TCTD yếu kém được xử lý kiên quyết thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước, nhân dân. Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước vừa chủ động thực hiện tự cơ cấu lại vừa tích cực tham gia quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém, duy trì vị trí chủ đạo, vai trò trụ cột trong việc giữ ổn định hệ thống, dẫn dắt thị trường và tiên phong thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước nói chung và của NHNN nói riêng.

Luật đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng. Luật các TCTD đã có một số quy định về hoạt động thanh toán như đối tượng cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, cung ứng phương tiện thanh toán, tham gia các hệ thống thanh toán...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật các TCTD cũng bộc lộ một số hạn chế như các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của TCTD chưa thống nhất với các luật khác; một số nghiệp vụ của TCTD chưa được quy định tại Luật nên gây khó khăn trong việc thực hiện... Vì vậy, việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật các TCTD cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước là rất cần thiết.

Tạo hành lang pháp lý để kiểm soát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng - Ảnh 2.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Cần đánh giá kỹ thực trạng hoạt động của các TCTD - Ảnh: VGP/LS

Đánh giá kỹ thực trạng hoạt động của các TCTD

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh Ngân hàng Chính sách xã hội có vai trò quan trọng đối với phát triển KT-XH, vì vậy cần quy định rõ việc thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản, xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, để bao quát hết các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung hoạt động mua, bán, giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, đề nghị NHNN là cơ quan chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan quy định việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động.

Đối với quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí với phương án 2 của NHNN: "Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ án phí, thuế (trừ các khoản án phí trực tiếp liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm đó, thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ), nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm". Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về trách nhiệm thực hiện thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước.

Đại diện Bộ Nội vụ đề xuất sửa cụm từ "Người có liên quan là tổ chức" tại Khoản 28 Điều 1 dự thảo Luật để phù hợp với Khoản 1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

Bên cạnh đó, đối với quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, Bộ Nội vụ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát những nội dung quy định tại 2 phương án đưa ra, bảo đảm phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với Luật các TCTD và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thời gian qua, từ đó làm cơ sở sửa đổi cho phù hợp, tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hànhvề tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhất trí sự cần thiết phải sửa đổi Luật các TCTD. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và quy định thẩm quyền trong việc cho vay đặc biệt. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ thực trạng hoạt động của các TCTD, công tác phòng ngừa rủi ro; hoàn thiện Báo cáo đánh giá thủ tục hành chính trong dự thảo Luật các TCTD; rà soát tính tương thích các quy định tại dự thảo Luật với các điều ước quốc tế./.

Lê Sơn