Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ KH&CN và đổi mới sáng tạo năm 2023, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2022, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) và đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 6/2022. Đây là động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ cũng tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV về sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử.
"Như vậy, đến năm 2025, 5 trong 8 luật của ngành KH&CN sẽ được sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo cho cả giai đoạn tiếp theo", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay.
Về các văn bản dưới luật, trong năm 2022, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Thông tư quản lý các nhiệm vụ KH&CN theo hướng đồng bộ, liên thông, cắt giảm các thủ tục hành chính và từng bước tin học hóa việc quản lý các nhiệm vụ KH&CN.
Đồng thời, Bộ KH&CN cũng tập trung hoàn thiện các Thông tư ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các Thông tư liên quan đến việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược hướng đến mục tiêu KH&CN và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 được Bộ KH&CN đề ra, đó là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, phương thức quản lý tài chính các chương trình, nhiệm vụ KH&CN các cấp để giảm bớt thủ tục hành chính, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước.
Xây dựng cơ chế và đề xuất triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án KH&CN. Trong đó, tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo cả trong nước và ngoài nước; khuyến khích doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các Quỹ phát triển KH&CN, sử dụng hiệu quả Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và phát triển công nghệ, đặc biệt là hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học thông qua đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung, các dự án ươm tạo công nghệ, dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp; khuyến khích hợp tác công-tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại Hội nghị, Bộ KH&CN cũng đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép chính thức triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023.
Thông tin thêm về bộ chỉ số này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên Bộ KH&CN thực hiện và triển khai thí điểm với 20 địa phương, từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của bộ chỉ số với các địa phương.
"PII được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi tỉnh/thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm xây dựng các bộ chỉ số cấp địa phương đã có trong nước (PCI, PAR, PAPI…) và kinh nghiệm nước ngoài, Bộ KH&CN đã xây dựng bộ chỉ số cấp địa phương theo 10 bước như hướng dẫn của OECD cho xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam.
Vừa qua, chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO chỉ định đã tiến hành kiểm định độc lập bộ chỉ số. Kết quả kiểm định của chuyên gia quốc tế đã khẳng định khung chỉ số và các chỉ số thành phần được thiết kế phù hợp, phản ánh được hiện trạng của đối tượng được đo lường; các bước xử lí dữ liệu, tính toán điểm số và thứ hạng đều được thực hiện đầy đủ, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy.
Kết quả thử nghiệm cho thấy bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương đủ mạnh để đưa ra những kết luận hữu ích. Kết quả kiểm định cũng cho thấy còn một vài chỉ số cần được xem xét khi triển khai trên phạm vi toàn quốc trong thời gian tới. Việc rà soát, xem xét, tinh chỉnh hằng năm để phù hợp với bối cảnh và mục tiêu cũng là thông lệ chung trong xây dựng các chỉ số tổng hợp.
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm thành công bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2022, Bộ KH&CN đề xuất được cấp có thẩm quyền cho phép chính thức triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023. UBND các tỉnh, thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo; sử dụng các kết quả đánh giá vào công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo của địa phương...
Hoàng Giang