Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn có ngày càng nhiều DN của Việt Nam phát triển bền vững. Ảnh: VGP/Đình Nam |
“Gần đây khi Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 thì các DN thành viên của Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã tham gia tích cực với những khuyến nghị rất cụ thể về phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng cho biết.
Lãnh đạo Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam thông tin, một trong những hoạt động nổi bật của Hội đồng trong năm 2015 là tập trung thực hiện nhiều mô hình kinh doanh bền vững, có trách nhiệm với sự kết hợp giữa DN và người thu nhập thấp trong lĩnh vực nông nghiệp; thúc đẩy và hỗ trợ DN áp dụng báo cáo bền vững như một công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường năng lực quản trị theo hướng minh bạch, nhất quán và phòng chống tham nhũng.
Đặc biệt, Hội đồng đã tiếp thu, hợp tác với những đối tác trong và ngoài nước để xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của DN. Sau khi thực hiện thí điểm tại 30 DN ở cả 3 miền (Bắc, Trung, Nam), để hoàn thiện bộ chỉ số, Hội đồng sẽ tiến hành đánh giá và tôn vinh những DN bền vững của Việt Nam.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Đánh giá cao những hoạt động của Hội đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thời gian tới nhiều tiêu chí trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc sẽ được cụ thể hóa vào chủ trương, chính sách cũng như chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
“Việt Nam vừa cùng với 11 nước khác đàm phán xong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, cũng như trước kia khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, chúng ta cần tiếp tục thay đổi, tiếp tục đổi mới căn bản tất cả các lĩnh vực để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực khi số giờ nộp thuế, bảo hiểm, tiếp cận điện năng… đã được rút ngắn, nhưng vẫn cần phải tiếp tục tạo chuyển biến ở cơ sở, đồng thời còn rất nhiều vấn đề cần làm tiếp từ đất đai, xây dựng, đến đăng ký, giải thể DN...
Trao đổi với các DN câu chuyện về năng suất lao động Việt Nam, Phó Thủ tướng chia sẻ: Để năng suất cao lên đương nhiên cần tăng cường đào tạo nhân lực, cần công nghệ mới, hiện đại nhưng quan trọng hàng đầu là khi môi trường kinh doanh thật tốt, mọi chính sách ưu đãi hơn (đất đai, thuế, nhân lực…) sẽ có thêm nhiều nhà máy, mở mang công ăn việc làm thì năng suất sẽ tăng lên, thậm chí ở mức nhanh.
“Môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh là cực kỳ quan trọng. Làm tốt Nghị quyết 19 không chỉ tốt cho DN mà bản chất là minh bạch hóa, tạo cạnh tranh bình đẳng để mọi DN được kinh doanh lành mạnh, liêm chính. Minh bạch ở chỗ mọi nguồn lực sẽ được phân bổ về những DN có hiệu năng tốt nhất cho xã hội, không kể thành phần, quy mô. Vì vậy, các DN cần tiếp tục đóng góp vào quá trình rà soát những tiêu chí, những khâu còn vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 19 từ văn bản đến thực tế”, Phó Thủ tướng nói.
Ủng hộ việc nhanh chóng ban hành bộ chỉ số phát triển bền vững của DN, Phó Thủ tướng cho rằng đây là giải pháp quan trọng không chỉ tôn vinh mà còn mở rộng cộng đồng DN phát triển bền vững (hiện mới chỉ có 60 DN thành viên trên tổng số hơn 400.000 DN ở Việt Nam). Cùng với đó, Hội đồng cần tăng cường hỗ trợ các DN xã hội, DN khởi nghiệp phát triển bền vững ngay từ đầu với các quy định, kiến nghị chính sách cụ thể.
Đình Nam