Ngày 26/3, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023) và kỳ họp bất thường lần thứ 5 (ngày 18/1/2024).
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của hơn 500 đại biểu tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hơn 50 điểm cầu trong và ngoài nước và phát trên các nền tảng mạng xã hội để bà con trên khắp thế giới có điều kiện theo dõi.
Phát biểu tại các điểm cầu, bà con kiều bào đánh giá cao việc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã kịp thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo và thẩm tra các luật trên và phổ biến các nội dung mới tới bà con. Đồng thời, bày tỏ cảm ơn các cơ quan soạn thảo, thẩm tra các luật trên đã tiếp thu, ghi nhận và phản ánh nhiều nguyện vọng, ý kiến đóng góp của bà con trong quá trình xây dựng luật vào nội dung các luật kể trên.
Việc mở rộng quyền của người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội mà còn tạo điều kiện cho bà con đầu tư thuận lợi hơn vào lĩnh vực nhà ở và bất động sản trong nước.
Bà Nguyễn Việt Triều, Ủy viên Liên Hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cho biết, trước đây Việt kiều mua bất động sản trong nước phải nhờ người thân đứng tên, do lo ngại thủ tục phức tạp. Những quy định mới trong các luật giúp bà con kiều bào có thể sở hữu bất động sản trong nước dễ dàng hơn.
Theo bà Nguyễn Việt Triều, hiện có hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó rất nhiều người đã đến tuổi nghỉ hưu và có nhu cầu trở về Việt Nam sinh sống. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư gốc Việt mong muốn tham gia thị trường bất động sản trong nước giờ đây được pháp luật cho phép mua nhà, có quyền sở hữu nhà như công dân trong nước. Điều này giúp thị trường bất động sản có thêm nguồn cầu lớn từ Việt kiều, thu hút tiền từ nước ngoài về Việt Nam nhiều hơn, đó sẽ là nguồn vốn rất tốt cho xã hội.
Trong thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao đã phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhiều hội nghị, toạ đàm lấy ý kiến trong các lĩnh vực quốc tịch, đất đai, nhà ở, căn cước... phục vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Cụ thể như phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức nhiều tọa đàm lấy ý kiến kiều bào ở từng nước, từng khu vực về chính sách pháp luật liên quan; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam ở nước ngoài về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; thường xuyên lấy ý kiến kiều bào về chính sách pháp luật thông qua kênh Khảo sát ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài trên hệ thống website của Bộ Ngoại giao... Qua đó, kiều bào đã có dịp bày tỏ nhiều ý kiến và đề xuất về các vấn đề quan tâm, mang tính thời sự.
Diệp Anh