In bài viết

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015

(Chinhphu.vn) - Như tên gọi Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng doanh nghiệp này cần đề xuất chiến lược để phát triển mạnh mẽ công nghiệp cao su, hơn là chỉ tập trung phát triển trồng loại cây này.

17/08/2015 15:37

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam - Ảnh: VGP/Thành Chung
Sáng 17/8 tại TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam về việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục để công bố giá trị doanh nghiệp của 5 công ty cao su (công ty Bình Long, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bà Rịa, Tân Biên) trong quý III/2015 và sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.

Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tính tới hết Quý II vừa qua, Tập đoàn đã thu về được 1.188 tỉ đồng, cao hơn giá trị sổ sách 141 tỉ đồng. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn đang gặp khó khi thoái vốn tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi, đầu tư khu công nghiệp và thủy điện với tổng vốn khoảng 700 tỉ đồng.

Chỉ đạo công tác tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp cao su, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Tập đoàn dứt khoát phải xác định xong giá trị doanh nghiệp trong quý III và hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay.

“Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc thì Tập đoàn phải báo cáo ngay với Ban chỉ đạo để trực tiếp tháo gỡ. Trên thực tế, nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp đã có báo cáo và đều được Ban chỉ đạo, Chính phủ xử lý thành công. Nếu để hết năm mà không hoàn thành nhiệm vụ, không báo cáo vướng mắc trong quá trình thực hiện thì trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Tập đoàn”, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn tiếp tục thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, nhưng “thoái vốn cũng phải có lộ trình, trật tự. Lĩnh vực nào mà giữ vốn càng lỗ thì bán ngay, nếu không lỗ thì không nhất thiết phải bán ngay mà cần xây dựng lộ trình thoái vốn để phát huy hiệu quả đầu tư cao nhất”, Phó Thủ tướng nói.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng dành nhiều thời gian, cùng với lãnh đạo các Bộ, ngành và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thảo luận về phương hướng phát triển trong dài hạn.

“Như tên gọi của Tập đoàn là công nghiệp cao su nhưng tôi thấy phần công nghiệp đóng góp vẫn còn nhỏ bé lắm. Tập đoàn và các Bộ, ngành cần nghiên cứu cụ thể hơn chiến lược phát triển của ngành Cao su”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gợi mở, bởi vì công nghiệp cao su có phát triển mới đảm bảo vững chắc giá cả và lợi nhuận của Tập đoàn.

Trên thực tế, từ năm 2012 trở về đây, giá cao su trên thế giới liên tục giảm đã ảnh hưởng tới quy mô sản xuất của Tập đoàn....

Cùng với các lĩnh vực khác như chế biến gỗ, sản xuất găng tay cao su, cho thuê khu công nghiệp thì dự kiến tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm nay sẽ đạt 21.515 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ cao su là 10.508 tỉ đồng, chế biến gỗ đạt hơn 5.000 tỉ đồng, cho thuê khu công nghiệp là hơn 1.700 tỉ đồng, công nghiệp cao su là hơn 1.200 tỉ đồng.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Nếu ngành Cao su trông vào giá thì lợi nhuận có thể được khi giá cao nhưng cũng mất khi giá thấp. Từ năm 2012 giá cứ xuống suốt mà ta cứ ngóng. Phải quên cái giá đi để nghĩ chiến lược lớn hơn, để cho dù giá lên xuống thì tính bù trừ, ta vẫn đàng hoàng”.

Đồng thời bày tỏ, từ thực tiễn hoạt động, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cần đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược phát triển của ngành. Bên cạnh đó, Tập đoàn phải đề cao tính cạnh tranh trong sản phẩm, vươn lên về năng suất, hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Việc này khó nhưng vẫn phải làm vì sự phát triển bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị.

Thành Chung