Thông tin được Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 sáng 5/1.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, năm 2023 bên cạnh những khó khăn chung giống như cộng đồng doanh nghiệp cả nước, PVN còn phải chịu tác động bất lợi bởi 3 yếu tố gắn với đặc thù hoạt động của PVN, đó là: tình hình địa chính trị quốc tế và Biển Đông diễn biến phức tạp; tốc độ dịch chuyển năng lượng nhanh, biến động lớn về cung-cầu và giá các sản phẩm năng lượng suy giảm mạnh so với năm 2022 (giá dầu thô giảm 17- 38%, giá phân bón giảm 25- 30%; biên lợi nhuận lọc hóa dầu giảm 24-26% so với năm 2022); huy động khí tự nhiên, điện thấp hơn so với năng lực sản xuất của PVN.
Nhờ việc thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, kết quả, năm 2023, PVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước giao từ 2-33%.
Trong đó, nổi bật là: Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 13,0 triệu tấn quy dầu, vượt 8,3%; khai thác dầu đạt 10,41 triệu tấn, vượt 12,1% kế hoạch năm, trong đó khai thác dầu ở trong nước đạt 8,63 triệu tấn, vượt 14,7% kế hoạch năm
Sản lượng khai thác khí đạt 7,47 tỷ m3, vượt 25,7% so với kế hoạch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước giao (bằng 92% so với khả năng cấp khí của PVN); Sản xuất đạm đạt 1,76 triệu tấn, vượt 9,4% kế hoạch năm; Sản xuất xăng dầu (không gồm NSRP) đạt 7,36 triệu tấn, vượt 33,2% kế hoạch; Kinh doanh xăng dầu toàn PVN đạt 11,40 triệu tấn, vượt 26% kế hoạch.
Đặc biệt, PVN có 6 chỉ tiêu trọng yếu tăng trưởng từ 3- 31% so với năm 2022. Gồm: sản lượng điện đạt 23,07 tỷ KWh tăng 31%; sản xuất xăng dầu tăng 7,3%; đạm hạt đục tăng 2,8%; NPK Cà Mau tăng 24,1%; Polypropylen tăng 12,2%.
"Riêng chỉ tiêu về kinh doanh xăng dầu, năm vừa qua, PVN đã tăng 11,2%. Chúng tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã giao 'trong mọi tình huống, không để đứt gãy, không để thiếu nguồn cung xăng dầu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội", ông Lê Mạnh Hùng thông tin.
Chủ tịch PVN cũng cho biết, năm vừa qua, tất cả các chỉ tiêu tài chính của PVN hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, doanh thu toàn Tập đoàn tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới sau 62 năm Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.
Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2022 (931,2 nghìn tỷ đồng).
PVN thực hiện nộp ngân sách Nhà nước đạt 151,8 nghìn tỷ đồng, vượt 94% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, vượt 57,0% kế hoạch năm.
PVN cũng tối đa hiệu quả và tối ưu chi phí, thực hành tiết kiệm toàn Tập đoàn năm 2023 đạt 3.072 tỷ đồng, vượt 37% kế hoạch năm.
Tất cả các chỉ tiêu tài chính của PVN hoàn thành vượt mức kế hoạch năm, doanh thu toàn Tập đoàn tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới sau 62 năm Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.
Về đầu tư, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, giá trị thực hiện đầu tư của năm 2023 đạt mức tăng trưởng cao nhất sau nhiều năm với mức tăng 24% so với thực hiện năm 2022. Trong năm, PVN đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm khó khăn gồm: Dự án Thái Bình 2; Kho cảng LNG Thị Vải; đưa vào khai thác sớm 4 mỏ/công trình dầu khí (nhiều hơn so với kế hoạch năm 1 mỏ công trình).
Đáng nói, PVN cũng có 2 phát hiện dầu khí mới. Theo ông Hùng "đây là dấu mốc quan trọng trong một năm kể từ năm 2018 đến nay". Đồng thời, PVN cũng thực hiện ký kết các hợp đồng EPC dự án phát triển mỏ thuộc Chuỗi dự án khí- điện Lô B- Ô Môn sau nhiều năm....
Với kết quả sản xuất kinh doanh nêu trên, PVN đã liên tục tăng trưởng trong các năm qua, quy mô doanh thu năm 2023 đã tăng 66,6% so với năm 2020 (566 nghìn tỷ đồng), có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP và thu ngân sách của nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; an ninh lương thực và chủ quyền quốc gia biển đảo.
"Xác định năm 2024 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021- 2025. Trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tình hình thế giới và thị trường diễn biến phức tạp hơn, khó dự báo hơn, song, PVN đã xây dựng và đặt ra mục tiêu với quyết tâm thực hiện cao hơn, áp lực cao hơn so với kế hoạch 2023, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng liên tục và phát triển bền vững", ông Lê Mạnh Hùng khẳng định.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch PVN đưa ra 3 kiến nghị gồm: Đề nghị sớm thông qua, ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 41 ngày 23/7/2015 về chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để PVN mở rộng không gian, phạm vị phát triển của PVN; sớm ban hành cơ chế phát triển năng lượng mới, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, cơ chế cho phát triển điện khí LNG nhập khẩu; sớm ban hành cơ chế huy động đồng bộ, sử dụng nguồn khí tự nhiên khai thác trong nước để sản xuất điện.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cho biết: Năm 2023, điều kiện tình hình chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, nhu cầu thị trường trong nước cũng như nước ngoài giảm là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam nói riêng.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng năm 2023, Tập đoàn Hoá chất đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 50.362 tỷ đồng, doanh thu 55.286 tỷ đồng. Đáng chú ý, 3 đơn vị trong danh mục "12 dự án yếu kém ngành Công Thương" đã có lãi hơn 1.046 tỷ đồng.
Năm 2023, Tập đoàn Hoá chất nộp ngân sách nhà nước 1.922 tỷ đồng. Đồng thời, Tập đoàn đã bảo đảm công ăn việc làm cho 18.000 người lao động với mức thu nhập bình quân đạt 13,52 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,3% so với kế hoạch đề ra.
3 đơn vị trong danh mục "12 dự án yếu kém ngành Công Thương" (gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai) đã có lãi hơn 1.046 tỷ đồng.
Trong năm, Tập đoàn cũng sản xuất hơn 3 triệu tấn phân bón các loại, 3,4 triệu lốp ô tô các loại; 330 nghìn tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hoá chất phục vụ cho đời sống. Một số sản phẩm ghi nhận tăng so với cùng kỳ như: phân ure tăng 17%, phân DAP tăng 35%, supe lân tăng 15%, xút thương phẩm tăng 5%; chất giặt rửa tăng 18%.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Việt Nam khẳng định, sang năm 2024, Tập đoàn đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tại các đơn vị thành viên để đạt mục tiêu đề ra: tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị cùng nhóm ngành sản xuất phân bón, cao su, hoá chất. Đồng thời, tăng cường năng lực vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị công nghệ bảo đảm sản xuất ổn định, phát huy tối đa công suất, tập trung nghiên cứu và áp dụng các biện pháp ổn định chất lượng sản phẩm.
"Chúng tôi sẽ không ngừng hoàn thiện hệ thống sản xuất đối với các ngành hàng, bảo đảm hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu về thị trường, về chất lượng, phát triển các sản phẩm đặc chủng đối với từng nhóm khách hàng với giá cả phù hợp.
Bên cạnh đó, tập trung mọi nguồn lực để phát triển thị trường, đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ các sản phẩm có lợi thế như phân bón DAP, ure, phân bón NPK, phân lân nung chảy, hoá chất cơ bản, lốp Radial, chất tẩy rửa, pin ắc quy", ông Nguyễn Phú Cường cho hay.
Cuối cùng, Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất khẳng định, năm 2024, Tập đoàn sẽ tiếp tục việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu bộ máy của các doanh nghiệp thành viên theo định hướng tinh gọn, giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành và kết quả sản xuất kinh doanh.
Phan Trang