PGS.TS. Nguyễn Thị Hà, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ môi trường (thứ ba từ phải sang) thay mặt tập thể nữ khoa học Bộ môn Công nghệ môi trường nhận Giải thưởng Kovalevskaia dành cho tập thể. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Đồng lòng nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao
Cụm công trình mà tập thể cán bộ khoa học nữ của Bộ môn Công nghệ môi trường được nhận giải Kovalevskaia năm 2018 tập trung vào hai hướng nghiên cứu chính: Công nghệ kỹ thuật về xử lý và tận dụng chất thải; Phân tích đánh giá chất lượng môi trường.
Với hai hướng đề tài này, các nhà khoa học nữ của Bộ môn đã chủ trì 33 đề tài và tham gia 65 đề tài nghiên cứu khoa học ở tất cả các cấp, từ cấp ĐH Quốc gia Hà Nội đến đề tài hợp tác quốc tế.
Cũng trong khoảng thời gian này, 17 nữ cán bộ của Bộ môn đã đóng góp vào quá trình biên soạn 24 sách/giáo trình trong nước, 3 sách quốc tế, 30 Bài báo công bố trên các Tạp chí khoa học quốc tế bao gồm 17 bài thuộc hệ thống ISI/SCOPUS, 114 Bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước…
Đặc biệt, một số nữ cán bộ còn được mời phản biện cho các tạp chí khoa học chuyên ngành, các hội thảo trong và ngoài nước.
Nghiên cứu về công nghệ xử lý, tận dụng chất thải được xác định là hướng đi chính của bộ môn. PGS.TS. Nguyễn Thị Hà, Chủ nhiệm Bộ môn cho biết “bộ môn tập trung theo hướng công nghệ phù hợp, thích ứng với đại đa số cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ”.
Một hướng đi nữa ngày càng được khẳng định là phân tích, đánh giá môi trường. Những công trình nổi bật của hướng nghiên cứu này là đề tài nghiên cứu đã được Giải thưởng của Ngân hàng Thế giới năm 2005 của PGS.TS. Nguyễn Thị Hà và ThS Trần Thị Phương, cùng với đề tài Nghiên cứu sản xuất “Bộ kit thử và phương pháp xác định nhanh amoni trong các nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ăn uống” do PGS.TS Đồng Kim Loan (chủ trì) và PGS. Trần Thị Hồng (thành viên) thực hiện. Sản phẩm của đề tài được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ cấp Bằng Độc quyền sáng chế năm 2015.
Tại Việt Nam hiện nay, rác thải ngày một nhiều và đa dạng, quỹ đất để chôn lấp ngày một thu hẹp. Chính vì vậy, định hướng phát triển của công nghệ môi trường nói riêng và công nghệ nói chung không chỉ dừng lại ở việc xử lý chất ô nhiễm để đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường mà còn phải nghiên cứu đưa ra các công nghệ để quay vòng, tái sử dụng, tận dụng, thu hồi và biến chất thải thành các sản phẩm, tài nguyên hữu ích.
Các nhà khoa học nữ của Bộ môn Công nghệ Môi trường đã tích cực đóng góp các sản phẩm và giải pháp hữu ích để tận dụng chất thải từ các nguồn thải khác nhau.
Có thể kể đến một số đề tài tiêu biểu đã được các chị thực hiện như: Tận dụng bã giấy làm giá thể trồng nấm hay tận dụng bùn thải mạ trong sản xuất men màu gốm sứ (được giải thưởng Ngày sáng tạo Việt Nam về Môi trường của Ngân hàng Thế giới năm 2005) do PGS.TS. Nguyễn Thị Hà chủ trì, ThS Trần Thị Phương tham gia. PGS.TS Nguyễn Thị Hà cũng đang là chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước (theo Nghị định thư với Nhật Bản) về “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mô hình hóa trong công nghệ xử lý yếm khí nước thải giàu hữu cơ vào thực tiễn Việt Nam” (2017-2020).
Tám cán bộ nữ của bộ môn cũng đang tham gia đề tài cấp nhà nước về “Nghiên cứu xây dựng mô hình công nghệ khả thi quy mô pilot để xử lý bùn thải công nghiệp giàu kim loại nặng theo hướng tận thu tài nguyên, tiết kiệm năng lượng”…
Ngoài ra, còn rất nhiều đề tài đã và đang được triển khai, đem lại những hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống. Trong đó có hướng nghiên cứu về phân tích đánh giá chất lượng môi trường cũng rất được chú trọng bởi tính ứng dụng cao. Bên cạnh đó là hướng nghiên cứu về độc học môi trường, độc học thực phẩm nhằm đánh giá các tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, chất lượng thực phẩm… đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Giáo dục sinh viên và dự án từ nhiện
Khoa Môi trường, Trường Khoa học Tự nhiên là đơn vị đầu tiên của cả nước đào tạo về môi trường. Bộ môn Công nghệ môi trường đã và đang cùng với Khoa tham gia hỗ trợ các đơn vị trường, viện khác trong xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành về Môi trường nhằm góp phần làm lớn mạnh lĩnh vực này trên cả nước, đóng góp nguồn nhân lực trình độ cao cho Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường.
Cán bộ nữ của bộ môn đã đóng góp hiệu quả vào tiến trình này, là lực lượng nòng cốt tham gia các chương trình giảng dạy của Khoa. Đặc biệt, một số giảng viên còn tham gia tích cực xây dựng chương trình đào tạo quốc tế bậc đại học và cao học. Trong 10 năm, các chị đã hướng dẫn 12 tiến sĩ, 330 thạc sỹ, 550 cử nhân.
Chương trình Công nghệ Kỹ thuật môi trường do Bộ môn đảm nhiệm đã được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á. Bộ tiêu chuẩn này đòi hỏi cao về ngoại ngữ và yếu tố thực tiễn trong việc nghiên cứu và đào tạo, cũng như tích hợp các chương trình thực hành, thực tập cho sinh viên trong chương trình giảng dạy.
Bên cạnh đó, CLB làm bưu thiếp từ các vật liệu thải của các chị là hoạt động vừa có ý nghĩa giáo dục bảo vệ môi trường, phù hợp với ngành đào tạo, vừa là hoạt động từ thiện, ủng hộ thường xuyên cho “Nồi cháo tình thương” được phát miễn phí cho bệnh nhân ở bệnh viện E, ủng hộ cho đồng bào vùng khó khăn, lũ lụt và một số trường hợp sinh viên gặp hoạn nạn.
Nghiêm túc trong công việc nghiên cứu và giảng dạy nhưng hết sức bình dị và chân tình khi thực hiện những công việc khác trong ngày. Sự thanh thản, vui vẻ và hạnh phúc của các nhà khoa học nữ đến từ tâm niệm: “Dù làm bất cứ việc gì, dù nhỏ dù lớn cũng phải “đến nơi, đến chốn”, hết mình, không bỏ dở. Việc rất nhỏ mình làm được tốt thì những việc lớn cũng vượt qua”, chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ.
100% giảng viên nữ của Bộ môn Công nghệ môi trường đạt danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” cấp trường. Tuy nhiên, chị Hà chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học nói chung đều rất vất vả, không thể nào thành công được nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ, thông cảm của gia đình, của những người thân”.
Khó khăn chưa bao giờ hết, nhưng các nhà khoa học nữ chưa từng nghĩ đến hai từ “bỏ cuộc”. Các nhà khoa học luôn quan niệm làm tốt, làm hết lòng công việc của mình, làm vì đam mê chứ không vì giải thưởng nhưng giải thưởng đã đến một cách xứng đáng và vinh quang.
Nhật Nam