Xuất phát từ thực tế hệ thống giao thông trên địa bàn huyện xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là giao thông nông thôn (GTNT), ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Trùng Khánh đã xác định tập trung phát triển GTNT. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, Hội đồng nhân dân huyện đã ra Nghị quyết số 39/2006/NQ-HĐND về việc phê chuẩn làm đường bê tông xóm giai đoạn 2006 - 2010 từ nguồn tăng thu của huyện theo phương thức Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp và tự thi công xây dựng.
Sau khi nghị quyết ra đời, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo công tác tuyên truyền vận động, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng trong nhân dân, hưởng ứng đóng góp tiền của và công sức để thực hiện. Chỉ đạo các phòng chức năng tiến hành thẩm định các tuyến đường, các xóm cần ưu tiên hỗ trợ. Từ năm 2006 đến nay, cả huyện đã bê tông hóa đường xóm, liên xóm được 180/230 xóm, tổ dân phố, với tổng chiều dài 106,48 km, quy mô đường rộng từ 1,5 - 2,5 m, dày từ 10 - 15 cm.
Đồng chí Nông Văn Chấn, Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh cho biết: Đây là lần đầu tiên Đảng bộ đưa chương trình bê tông hóa đường làng ngõ xóm vào Nghị quyết Đại hội. Để đưa nghị quyết đạt hiệu quả, Huyện ủy đã xây dựng chương trình hành động, phấn đấu hết năm 2010 có 50% xóm có đường bê tông. Huyện đã có nhiều cuộc chỉ đạo, đặc biệt là về phương pháp thực hiện. Ban đầu thực hiện với phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; sau đó, thống nhất thực hiện theo phương thức Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp và tự thi công. Ngoài hỗ trợ từ nguồn tăng thu của huyện, các địa phương vận động xã hội hóa, huy động đóng góp từ nhân dân. Qua 5 năm thực hiện chương trình bê tông hóa GTNT, cơ bản mạng lưới giao thông từ huyện đến các xã, các tuyến liên xã, trên vùng thông suốt, đáp ứng được yêu cầu phát triển KT - XH ở các địa bàn.
Phát huy kết quả đạt được của chương trình bê tông hóa GTNT, từ năm 2008, Đảng bộ huyện Trùng Khánh chỉ đạo xây dựng các phương án nâng cao hiệu quả công tác thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn toàn huyện. HĐND huyện đã ra nghị quyết về kiên cố hóa kênh mương từ nguồn tăng thu của huyện theo phương thức Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp và thi công. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 11 công trình với tổng chiều dài 1.250 m kênh mương, tưới tiêu cho 38,1 ha đất canh tác; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 89.330 kg xi măng, nhân dân đóng góp 643 m3 đá xây, 771,7 m3 đá hộc, gần 5.300 ngày công, đào đắp 340 m3. Năm 2009, huyện đưa vào sử dụng 18 công trình với tổng chiều dài 2.800 m kênh mương với tổng vốn đầu tư 1 tỷ 168 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng trị giá 106 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp thêm cùng với khoảng 11.200 ngày công. Từ nguồn tăng thu của huyện và đóng góp của nhân dân, Trùng Khánh đã kiên cố hóa 6.756 m kênh mương, đảm bảo tưới tiêu thêm cho 167 ha đất canh tác.
Ngoài những công trình trên, Trùng Khánh được Nhà nước tiếp tục đầu tư từ nguồn vốn tín dụng xây dựng công trình thủy lợi Nà Mu (xã Chí Viễn) trị giá gần 4 tỷ đồng với tổng chiều dài 3.564 m kênh mương, cung cấp nước cho 69,4 ha ruộng 2 vụ của các xóm Nà Mu, Pác Mác, xã Chí Viễn. Bên cạnh đó, những công trình thủy lợi đã và đang xây dựng được đầu tư từ nguồn ngân sách của Trung ương như: Công trình Co Páo, Bắc Trùng Khánh, Bản Chang (xã Đình Phong), Nà Num, Đà Hoặc (xã Khâm Thành)... ngày càng hoàn thiện hệ thống thủy nông của huyện. Đẩy mạnh bê tông hóa GTNT, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi đã góp phần thúc đẩy KT - XH của huyện phát triển, nhịp độ tăng trưởng kinh tế mỗi năm đạt 12%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng qua từng năm, năm 2006 đạt 14 triệu đồng/ha, năm 2010 ước đạt 28 triệu đồng/ha. Năm 2006, thu nhập bình quân đầu người đạt 4,2 triệu đồng/năm, năm 2010 ước đạt 6,567 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,4%. Đặc biệt, từ hiệu quả thiết thực của Chương trình bê tông hóa GTNT và kiên cố hóa kênh mương, nhận thức của nhân dân đã có nhiều chuyển biến, tích cực đóng góp xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng ở địa phương.