In bài viết

Tập trung đầu tư các dự án mang tính động lực, liên vùng

(Chinhphu.vn) – Sáng 24/7, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu cho rằng, cần khắc phục cho được đầu tư dàn trải, tình trạng khởi công trước xin chủ trương sau và tập trung đầu tư cho các dự án mang tính động lực, liên vùng.

24/07/2021 14:13
Các đại biểu tổ Cần Thơ, Bình Dương, Cà Mau phát biểu tại phiên họp sáng 24/7. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Ưu tiên các dự án trọng điểm, có tính động lực và kết nối vùng

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định), dự kiến tổng mức đầu tư công giai đoạn 2021-2025 hơn 2,8 triệu tỷ đồng, để bảo đảm tính khả thi, nhất là trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. đại biểu kiến nghị, nên cân nhắc tăng dự phòng vốn ngân sách trung ương (NSTW) từ 10% lên 15%. Muốn vậy thì phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm triệt để dành cho đầu tư phát triển. Ngân sách nhiều địa phương trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn, nữ đại biểu đề nghị, với các dự án trọng điểm, cần đầu tư toàn lực trong đó NSTW giữ vai trò chủ đạo.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đánh giá cao kết quả giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đặc biệt trong năm 2020, giải ngân cao nhất, đạt trên 97%.

Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, giai đoạn 2021-2025 dự kiến vốn đầu tư hơn 2,8 triệu tỷ đồng. Để nguồn vốn này phát huy hiệu quả như giai đoạn trước, trong quá trình phân bổ vốn cần ưu tiên các dự án kết nối liên vùng; khắc phục yếu kém ở giai đoạn trước, trong bố trí triển khai dự án, cần quan tâm các quy định còn chồng chéo, cần rà soát để có điều chỉnh phù hợp

Trong bố trí nguồn vốn dự án, đại biểu đề nghị tách phần vốn giải phóng mặt bằng, tăng tiến độ, nâng cao hiệu quả giải ngân của các bộ, ngành, địa phương.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, từ thực tiễn địa phương, quá trình bố trí vốn trong đó có các Chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình trọng điểm trên cơ sở thực hiện, cần bố trí vốn đều trong cả giai đoạn, không nên dồn vào các năm cuối giai đoạn.

Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) nhìn nhận, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh đầy đủ “bức tranh” đầu tư công 5 năm qua của đất nước. “Không thể phủ nhận những thành tựu trong đầu tư công, kênh quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Đầu tư công đã dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội các vùng miền, địa phương”, đại biểu cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Lê Kim Toàn, cũng có nhiều vấn đề đặt ra, cần khắc phục, như báo cáo của Chính phủ đã nêu, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách đã nhận định.

Đại biểu quan tâm một số vấn đề lớn, là cốt lõi của đầu tư công, đó là: Phân bổ vốn kịp thời và tính hiệu quả. Nếu làm được điều đó, nghĩa là đầu tư công phát huy hiệu quả.

Đại biểu Lê Kim Toàn và một số đại biểu khác cùng bày tỏ băn khoăn khi số vốn đầu tư công giai đoạn tới này cao hơn so với giai đoạn trước là 870.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn NSTW lên đến 1,3 triệu tỷ đồng.

Theo đại biểu, 5 năm qua tổng vốn là 2 triệu tỷ đồng, tương ứng với đó là phần đóng góp tương ứng với tăng trưởng GDP trong 5 năm. Vốn đầu tư địa phương có vượt trên 200.000 tỷ đồng, nhưng vốn Trung ương hụt 130.000 tỷ đồng. Do đó, đại biểu lo ngại “liệu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, thì có đủ nguồn để cân đối dành cho đầu tư công theo như dự kiến hay không”. Do đó, một số ý kiến đề nghị cần tính toán kỹ lại tổng nguồn vốn đầu tư công cho phù hợp tình hình thực tế.

513 dự án khởi công nhưng chưa có chủ trương đầu tư

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên họp tổ sáng 24/7 đó là kéo dài thực hiện kế hoạch của 12 dự án từ năm 2017 và năm 2018 chuyển sang giai đoạn 2021-2025. Theo đó, 12 dự án với số vốn là 4.118,884 tỷ đồng, thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đối với các dự án trên. Một số ý kiến đề nghị tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công, theo đó, phải hủy dự toán và bố trí vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục thực hiện.

Còn đối với 500 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đã tiến hành khởi công, các đại biểu cho rằng, từ nay đến bế mạc kỳ họp thứ nhất này, cần yêu cầu 500 dự án đó phải bổ sung chủ trương đầu tư. Trong điều kiện không thực hiện được thì rà soát danh mục, dự án nào thực sự cấp bách, ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trước khi giao vốn; còn dự án nào không đủ thủ tục thì đưa ra khỏi danh sách.

Đồng quan điểm, các đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, giai đoạn này phải khắc phục cho được các dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng vẫn tổ chức khởi công trước rồi tự động đưa vào danh sách phê duyệt sau. Hiện có khoảng 513 dự án như vậy, điều này gây băn khoăn trong dư luận nhân dân.

Khắc phục cho được đầu tư dàn trải, kém hiệu quả

Đại biểu Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình cho rằng, Chính phủ đưa mức vốn đầu tư hơn 2,8 triệu tỷ đồng là dựa trên các tính toán bảo đảm mức độ tăng trưởng của cả giai đoạn.

Tuy nhiên, như nhiều đại biểu băn khoăn, đại biểu Vũ Đại Thắng cũng cho rằng, đây là mục tiêu rất khó. Giai đoạn 2016-2020, thực tế hụt khoảng 150.000 tỷ đồng; giai đoạn mới này, tổng vốn đầu tư phát triển  trong nước cao gần gấp đôi 5 năm trung hạn trước, việc bố trí vốn trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn. Bởi theo đại biểu, muốn có vốn bố trí phải phụ thuộc vào khả năng thu ngân sách trong 5 năm tới.

“Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, thu NSNN sẽ gặp khó khăn. Do đó, NSTW phải hết sức nỗ lực bảo đảm nguồn thu, để có nguồn chi cho đầu tư phát triển”, đại biểu Thắng nêu rõ.

Theo đại biểu Vũ Đại Thắng, phân bổ các nguồn vốn còn có bất cập, hiện nay chủ yếu phân bổ theo kế hoạch hàng năm, do đó, ảnh hưởng đến năng lực, sáng tạo của chủ đầu tư dự án, nếu không muốn nói kéo lùi khả năng của ban quản lý dự án.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân phát biểu tại tổ. Ảnh: VGP/Lê Son.
Đại biểu Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ, cần có kế hoạch tổng thể về đầu tư hạ tầng trong đầu tư công, trong đó có khả năng huy động nguồn vốn xã hội, xác định các dự án cấp bách, cần thiết để có cơ chế tập trung cho dự án đó, tạo tính lan toả, động lực cho các dự án khác.

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương bày tỏ, Chính phủ đã kiên quyết khắc phục đầu tư dàn trải, tập trung vào các dự án cấp thiết, trọng điểm để phát huy hiệu quả của các dự án. Đại biểu cũng đồng ý tiếp tục đầu tư đối với 12 dự án của giai đoạn trước để không lãng phí nguồn lực nhưng cũng tìm ra nguyên nhân giải ngân chậm đối với các dự án, khắc phục nút thắt này để tránh gây lãng phí.

Lê Sơn