Ngày 13/2, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn nhà nước năm 2012. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Về tăng cường quản lý các dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh và hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương: Tăng cường công tác quản lý, tập trung chỉ đạo để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2012; bám sát công trình, đôn đốc các đơn vị thi công, tư vấn đẩy nhanh tiến độ, tận dụng tối đa thời gian; phấn đấu đến 30/11/2012 hoàn thành cơ bản kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2012. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật về tiến độ thi công, giải ngân khối lượng hoàn thành và chất lượng công trình.
Đối với các dự án chuyển tiếp: Tiến hành triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án ngay từ khi nhận được thông báo vốn. Trường hợp các gói thầu chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu, khẩn trương hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu, giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để có thể khởi công trong đầu quí I năm 2012. Đến 30/9/2012 hoàn thành 100% khối lượng dự kiến thi công thi công trong năm 2012; giải ngân 90% kế hoạch vốn đã bố trí.
Đối với các dự án khởi công mới năm 2012: Các dự án khởi công mới được bố trí vốn đều đã có quyết định đầu tư, các chủ đầu tư tiến hành ngay các bước tiếp theo (kế hoạch đấu thầu, thiết kế kỹ thuật – bản vẽ thi công và tổng dự toán, tổ chức giải phóng mặt bằng và tổ chức lựa chọn nhà thầu) để dự án có thể khởi công trong quí I năm 2012. Việc lựa chọn nhà thầu đảm bảo có năng lực, trực tiếp triển khai thi công dự án. Đến 30/11/2012 phấn đấu hoàn thành cơ bản 100% khối lượng dự kiến thi công trong năm 2012; giải ngân 90% kế hoạch vốn đã bố trí.
Hồ sơ thiết kế kỹ thuật - bản vẽ thi công và tổng dự toán phải được phê duyệt chậm nhất trước ngày 28/2/2012 đối với dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh và trước ngày 15/2/2012 đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương. Các quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật – bản vẽ thi công và tổng dự toán gửi ngay sau khi phê duyệt về Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Thời hạn khởi công:Đến 30/03/2012 nếu dự án khởi công mới (hoặc gói thầu đối với dự án chuyển tiếp) nào chưa đủ thủ tục để khởi công, UBND tỉnh sẽ chuyển vốn cho các dự án khác.
Các dự án chuẩn bị đầu tư: Các công trình được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong năm 2012 đảm bảo hoàn thành hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật trình phê duyệt chậm nhất đến trước ngày 30/8/2012; hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán trước ngày 30/10/2012. Các công trình không hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư sẽ không được đưa vào xem xét bố trí kế hoạch vốn năm 2013.
Về công tác quản lý vốn đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp huyện, ngân sách tỉnh phân cấp hoặc hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố Huế và các dự án trong các khu kinh tế, cửa khẩu: Các UBND huyện, thị xã, thành phố Huế sớm phân bổ chi tiết vốn đầu tư và gửi về UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, kiểm soát theo nguyên tắc chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Ưu tiên bố trí vốn thanh toán dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng đến trước ngày 31/12/2011 nhưng chưa bố trí vốn đủ vốn, các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm 2012, sau đó mới bố trí vốn cho các dự án mới thật sự cần thiết. Đối với các dự án mới phải có quyết định phê duyệt dự án (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) trước ngày 30/10/2011 và quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật- bản vẽ thi công và tổng dự toán chậm nhất trước ngày 28/2/2012. Tổ chức thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đồng thời phân bổ kế hoạch vốn năm 2012 đảm bảo theo nguyên tắc bố trí vốn cho các dự án nhóm C: không quá 3 năm, nhóm B: không quá 5 năm; Mức vốn bố trí cho các dự án mới năm 2012 từ các nguồn vốn so với tổng mức đầu tư của dự án được duyệt phải bảo đảm tối thiểu bằng 15% đối với dự án nhóm A, 20% đối với dự án nhóm B, 35% đối với dự án nhóm C, trường hợp còn khó khăn về nguồn vốn thì được phép bố trí vốn cho các dự án thấp hơn mức tỷ lệ quy định này nhưng những năm tiếp theo phải bố trí vốn cao hơn đảm bảo khả năng hoàn thành dự án theo đúng quy định.
Các dự án trong khu kinh tế và cửa khẩu: đối với các dự án mới, các dự án điều chỉnh quyết định đầu tư từ ngày 25/10/2011 và các dự án đã phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 25/10/2011 nhưng chưa được bố trí vốn, Ban quản lý khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô lập báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn của các dự án sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương theo hướng dẫn tại công văn số 7356/BKHĐT-TH ngày 28/10/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Việc xác định nguồn vốn và cân đối vốn là nội dung quan trọng trong hồ sơ dự án và thẩm định dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, vì vậy, các Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố Huế và Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô bổ sung quy định về quy trình và hồ sơ thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong hồ sơ thẩm định dự án theo quy định tại công văn số 7356/BKHĐT-TH nêu trên. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy trình và hồ sơ thẩm định.
Về nguyên tắc thanh toán và tạm ứng vốn thực hiện: Thực hiện theo Công văn 16989/BTC-ĐT ngày 13/12/2011 và Công văn số 913/BTC-ĐT ngày 18/01/2012 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thanh toán vốn đầu tư từ kế hoạch năm 2012, cụ thể như sau: Việc tạm ứng theo hợp đồng giữa chủ đầu tư cho nhà thầu được thực hiện theo quy định hiện hành, tổng mức vốn tạm ứng của các hợp đồng thực hiện trong năm tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án. Trường hợp dự án được bố trí kế hoạch vốn mà mức vốn tạm ứng không đủ theo hợp đồng, sau khi đã thanh toán khối lượng hoàn thành và thu hồi toàn bộ hoặc một phần số vốn đã tạm ứng lần trước, theo đề nghị của chủ đầu tư, Kho bạc nhà nước tạm ứng tiếp cho dự án (tổng số vốn đã tạm ứng không vượt mức quy định của hợp đồng). Tổng số dư vốn tạm ứng chưa thu hồi tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án. Việc tạm ứng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tạm ứng đối với một số cấu kiện, bán thành phẩm trong xây dựng có giá trị lớn phải được sản xuất trước để đảm bảo tiến độ thi công và một số loại vật tư phải dự trữ theo mùa thực hiện theo quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước. Việc thanh toán theo hợp đồng được thực hiện theo quy định hiện hành. Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định mức tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng hợp lý, tạo điều kiện về tài chính cho nhà thầu thực hiện gói thầu theo tiến độ; đồng thời phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng. Trường hợp vốn tạm ứng được sử dụng không đúng mục đích hoặc nhà thầu không thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ, chủ đầu tư thực hiện các chế tài theo quy định hiện hành. Các dự án khởi công mới chỉ được thanh toán vốn khi có quyết định đầu tư trước ngày 31/12/2011 và quyết định phê duyệt tổng dự toán trước ngày 31/3/2012. Hồ sơ thanh toán, ngoài các tài liệu theo quy định, phải kèm theo quyết định phê duyệt tổng dự toán. Các dự án khởi công mới sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu chỉ được thanh toán sau khi có ý kiến thẩm định nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
Chỉ thị cũng yêu cầu rã về thống nhất quản lý đối với các dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị; đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất xây dựng cơ bản; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; công tác giám sát đầu tư của cộng đồng;...