In bài viết

Tập trung nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai

(Chinhphu.vn) – Chiều 23/2, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị bàn giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên theo hình thức trực tuyến.

24/02/2022 09:31
Tập trung nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai - Ảnh 1.

Hàng năm, sạt lở do mưa lũ tại miền núi các tỉnh miền Trung rất lớn - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, theo thống kê, trong 40 năm gần đây, có 148 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó 94 cơn đổ bộ vào khu vực miền Trung (chiếm trên 64%) tập trung trong các tháng 9 đến 11. Một số cơn bão điển hình như Xangsane (2006) làm 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại, thiệt hại về kinh tế lên tới trên 10.000 tỷ đồng. Bão Damrey (2017) đổ bộ vào khu vực Bình Định – Khánh Hòa làm 123 người chết và mất tích, 3.550 nhà bị sập đổ, gần 300.000 nhà bị hư hỏng, 73.744 lồng bè nuôi thủy sản…, thiệt hại về kinh tế khoảng 22.679 tỷ đồng.

Trong 2 tháng từ 15/9 đến 15/11/2020, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão và 1 ATNĐ, trong đó, cơn bão số 9 (Molave) đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh nam Trung Bộ, làm 23 người chết và mất tích, 177.524 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tổng thiệt hại trên 36.000 tỷ đồng. Từ giữa tháng 9-12/2021, khu vực miền Trung cũng chịu ảnh hưởng của liên tiếp 4 cơn bão.

Mưa bão dẫn đến tình trạng sạt lở đất, lũ quét, gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại khu vực miền núi các tỉnh miền Trung. Sạt lở đất ngày 12/10 vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 làm 17 công nhân bị mất tích; sạt lở đất đêm 12/10 tại trạm Kiểm lâm số 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh; sạt lở đất tại các huyện Nam Trà My và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam sau bão (ngày 28/10) làm 47 người chết, mất tích.

Sau mưa lũ, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra với quy mô, tốc độ ngày càng gia tăng, trung bình 5-10 m/năm, có những nơi tới 25 m/năm; hiện tồn tại 88 vị trí với tổng chiều dài 129 km sạt lở nghiêm trọng, một số vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm như khu vực Tam Hải, Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế, Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam,....

Tập trung nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai - Ảnh 2.

Sạt lở tại biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Để nâng cao năng lực công tác phòng, chống thiên tai các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực thực hiện công tác dự báo, cảnh báo, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bổ sung lắp đặt trạm đo mưa tự động; rà soát, sửa đổi quy trình vận hành liên hồ, quy trình đơn hồ để khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian vừa qua. 

Bên cạnh đó sẽ tiếp tục thực hiện chính sách xây dựng nhà an toàn cho người dân trong khu vực; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ; cập nhật phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất nhân rộng mô hình đã triển khai có hiệu quả (như quản lý lũ hiệu quả do JICA tại trợ tại lưu vực sông Hương).

Tại hội nghị, nhiều ý kiến các đại biểu tại các địa phương, bộ ngành cho rằng, trong phòng, chống thiên tai, công tác dự báo là đặc biệt quan trọng, do đó cần tập trung đầu tư cho công tác này; ngoài ra, sau bão là lũ, vì vậy cần có quy chế vận hành liên hồ chứa để điều tiết lũ; các địa phương cũng cần chia sẻ những cách làm, mô hình hay của để cùng nhau học tập, nhân rộng.

Tập trung nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai - Ảnh 3.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho rằng, thiên tai tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên rất là dữ dội, những năm vừa qua chúng ta đã đối mặt với nhiều đợt thiên tai lớn, gây thiệt hai lớn về người và tài sản.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, năm 2022 có khả năng thời tiết cực đoan, mưa sớm, kết thúc sớm, mưa bão có thể trái quy luật nên công tác dự báo rất khó khăn, do đó cần tăng cường công tác dự báo, cung cấp bản tin kịp thời. Hiện nay chất lượng công tác dự báo đã được tăng lên nhưng so với yêu cầu thì còn đòi hỏi rất nhiều.

Về sạt lở ven biển, hiện kinh phí nhà nước đang đầu tư cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên không nhỏ, do đó các địa phương cần sớm lập dự án, đề xuất, lựa chọn các giải pháp cho phù hợp. 

Về sạt lở khu vực miền núi, ông Hoài đề nghị ngành giao thông và các địa phương khi xây dựng công trình mới hoặc sửa chữa cần tính toán khu vực cống thoát nước phù hợp, không làm ách tắc dòng chảy, xảy ra chuyển dòng, gây sạt lở trầm trọng.

"Đặc biệt, về quy trình vận hành hồ chứa, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã giao rà soát lại quy trình vận hành, đây là một vấn đề rất lớn, do đó chúng tôi đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương về vấn đề góp ý chi tiết cụ thể cho việc vận hành các liên hồ chứa, mong các đơn vị quan tâm, đóng góp sâu sát, cụ thể, cần nội dung gì, điều kiện để vận hành xả lũ các hồ chứa…", Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị.

 Lưu Hương